12/31/11

Định nghĩa cuộc sống

Cuộc đời giống như một bộ phim. Mọi việc đều diễn ra một cách có trình tự, đầy tính bất ngờ và cảm xúc. Tuy nhiên, có 6 yếu tố chính quyết định nội dung và kết cục mỗi bộ phim như sau:

1. Tiền
Thế nào là tiền? Rất nhiều định nghĩa, hẹp có, rộng có, vui nhộn có, nghiêm túc có.
Nhưng, có một định nghĩa rất ngắn gọn và đầy đủ: Tiền là Kết quả!
Nhiều người sẽ còn rất mơ hồ với định nghĩa này. Vậy chúng ta hãy thử nghiệm lại xem, tất cả mọi việc chúng ta làm vì cái gì, điều gì đảm bảo cuộc sống của chúng ta, thước đo nào có thể đo được chính xác nhất giá trị mỗi con người? Sẽ có nhiều câu trả lời rằng tôi sống vì lý tưởng, bằng niềm tin, tôi lao động để có vinh quang, giá trị con người thể hiện bằng lối sống với nhau, tình cảm với nhau… Rất hợp lý nhưng cũng thật nực cười!
Tiền chính là kết quả cuối cùng để đánh giá mức độ tư duy, năng lực làm việc, tư chất lãnh đạo của mỗi con người. Chỉ có con người mới được trả cho thành quả của họ bằng tiền thay vì là miếng thức ăn yêu thích. Thu nhập chính là thước đo điển hình nhất về tư duy, năng lực của mỗi người.

2. Giàu có
Thế nào là giàu có? Câu trả lời thường thấy là có nhiều tiền, có nhà đẹp, xe sang, quần áo thời trang…
Tất cả chỉ là bên ngoài. Có những người hội đủ tất cả yếu tố trên nhưng chỉ sau một đêm mất tích vì trốn nợ, sau một đêm phá sản vì vàng trượt giá, bất động sản đóng băng, chứng khoán tụt điểm…
Có một khái niệm rằng: Giàu có là số ngày sống trong Tự do tài chính.
Khái niệm này có nghĩa là bạn chỉ thật sự giàu có khi bạn không cần phải làm việc kiếm tiền mà vẫn có thu nhập dư dả cho cuộc sống theo phong cách mà bạn mong muốn.
Thực tế rằng, những triệu phú, tỉ phú trên thế giới họ làm việc không phải để kiếm tiền mà để thỏa mãn niềm đam mê của họ (Steve Jobs nhận lương 1$/năm tại Apple…).
Khi thu nhập tăng dần lên, người giàu có cũng tăng dần phong cách sống lên một tầm cao mới của sự giàu có.
Tuy nhiên, để có một khái niệm cụ thể nhất về giàu có, thì giàu có phải bao gồm 2 điều kiện cần và đủ:
- Điều kiện cần: Có tổng tài sản trị giá từ 1 triệu USD
- Điều kiện đủ: Tự do tài chính.

3. Sức khỏe
Sức khỏe được chia làm 2 trạng thái: khỏe mạnh và bệnh tật. Nhưng tất cả đều là kết quả của một quá trình.
Khỏe mạnh là kết quả của quá trình rèn luyện, gìn giữ đúng cách sự sung mãn của cả thể xác lẫn tinh thần.
Rất nhiều người chỉ quan tâm đến sức khỏe thể xác mà không biết rằng sức khỏe tinh thần mới là quan trọng, mới là yếu tố quyết định sức khỏe con người.
Bệnh tật là kết quả của quá trình gây bệnh một cách có ý thức.
Người ta vẫn lầm tưởng rằng bệnh tật là một sự rủi ro đáng thương. Nhưng sự thực thì 90% bệnh tật đều do con người tự tích lũy cho chính mình. Tại sao trên mỗi bao thuốc lá đều có khuyến cáo "Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe" nhưng người ta vẫn hút? Tại sao các phương tiện truyền thông khuyến nghị mọi người nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày nhưng không mấy người thực hiện?...

4. Thành công
Thế nào là thành công? Có nhiều người không hiểu nên họ cho rằng cả đời họ chưa bao giờ thành công.
Thành công đơn giản chỉ là kết quả đạt được sau những nỗ lực cùng với những gì chúng ta đang có.
Một người sale hoàn tất chỉ tiêu tháng chính là một thành công lớn. Đứa trẻ 3 tuổi hoàn thành một tác phẩm ghép hình chính là một thành công. Như vậy, trong cuộc sống có vô số thành công, mỗi con người cũng có rất nhiều thành công. Nhưng, ai biết trân trọng và đón nhận những thành công của mình người đó sẽ có mọi điều trong cuộc sống của họ.

5. Thành đạt
Thế nào là thành đạt? Rất nhiều người lầm tưởng thành công và thành đạt là một.
Thành đạt là những thành công vĩ đại, thể hiện ra thế giới bên ngoài và được mọi người thừa nhận.
Ví dụ, Bill Gates thành công lớn cả về mặt tài chính và sự nghiệp, Abraham Lincoln thành công rực rỡ trong sự nghiệp chính trị, Micheal Jackson thành công vang dội với sự nghiệp ca hát…
Những người có những đam mê, khát vọng lớn sẽ thành đạt từ những thành công rất nhỏ.

6. Hạnh phúc
Thế nào là hạnh phúc? Cũng giống như tiền, đây là đề tài có nhiều định nghĩa, khái niệm nhất. Tất cả đều đúng theo cách riêng của nó, thậm chí có người cho rằng hạnh phúc là tổng hợp tất cả 4 yếu tố trên.
Có một khái niệm rằng, hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc về cuộc sống khi chúng ta được làm những điều mình muốn làm, được sống với những người mình yêu thương và được sống trong tình yêu thương của mọi người.
Và một định nghĩa ngắn gọn hơn: Hạnh phúc là thỏa mãn với những gì mình có!
Đây chắn chắn là bài toán khó khăn nhất trong cuộc đời. Nhưng nếu biết tìm hiểu nó, biết trân trọng nó thì nó lại vô cùng dễ dàng và là tiền đề, động lực cho những mục tiêu phát triển khác. Và hạnh phúc sẽ chỉ có cho những người dám sống cuộc sống của chính mình.

Hoặc bạn làm đạo diễn kiêm vai chính của bộ phim để có được mọi thứ, hoặc bạn làm khán giả xem phim để chẳng có thứ gì.

12/28/11

Mệnh đề cuộc sống


Bạn sẽ chọn vế nào trong những mệnh đề sau:

RIGHT or RICH?
Đa số những người trẻ tuổi sẽ chọn Right. Rất dễ hiểu, những người trẻ tuổi họ có lý tưởng sống rất mãnh liệt và họ trung thành với lý tưởng sống đó. Kiên định, đó là một đức tính tuyệt vời. Và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu lựa chọn của họ giúp họ trở nên giàu có. Nhưng hỡi ôi, 80% dân số thế giới đắm chìm trong cuộc sống nghèo khổ, như vậy, điều mà người ta luôn cho là đúng kia lại chỉ giúp họ duy trì cuộc sống nghèo.
Những người trên 30 tuổi thì đã cảm nhận được cuộc sống và sẽ nhiều người chọn Rich hơn. Họ hiểu rằng nếu họ có được sự giàu có thì đương nhiên họ đã chọn đúng và làm đúng, mọi người đều phải công nhận họ đúng.
Và một trong những bí quyết của các tỉ phú thế giới là họ không bao giờ chọn Right mà Right phải chọn họ.

REASON or RESULT?
Cuộc sống của những người nghèo luôn có lý do đi kèm. Họ nghèo vì kiếp trước họ vướng nợ trần gian, họ nghèo vì số họ phải nghèo, họ nghèo vì họ không may mắn như người ta... nói chung là họ nghèo vì họ luôn có lý do để nghèo. Công việc không hoàn thành họ luôn có thời tiết hay ai đó để đổ lỗi. Tại trời mưa nên tôi không đến kịp, tại trời nắng nên tôi không về kịp, tại chờ cô ấy nên tôi bị trễ... Và họ luôn đúng.
Người giàu họ không nhìn vào những trở ngại mà luôn hướng tới mục tiêu. Họ luôn đặt câu hỏi "Làm thế nào để tôi đạt được nó?" cho đến khi họ đạt được điều họ muốn. Đối với họ, những khó khăn, trở ngại trên đường tiến của họ chỉ là những ổ gà nho nhỏ giúp họ tỉnh ngủ và cảm thấy cuộc hành trình của mình thêm phần thú vị. Họ luôn quan tâm kết quả cuối cùng để từ đó rút ra kinh nghiệm cho phương thức hành động nào là hiệu quả nhất.
Kết quả hiện tại cho thấy lý do tại sao bạn như vậy.

Bạn làm như thế nào không quan trọng, quan trọng là bạn có được gì.

12/22/11

Công thức làm giàu

Người giàu và người nghèo khác biệt lớn nhất là tổng số tài sản.
Nhưng, tại sao cùng một điểm xuất phát mà người thì vẫn dậm chân, thậm chí lao vào vòng nợ nần, còn người thì trở thành tỉ phú?
Bí quyết chính là: Công thức kiếm tiền và quản lý tiền.

1. Công thức tạo thu nhập:

THU NHẬP = GIÁ TRỊ BẠN TẠO RA x THỜI GIAN CUNG CẤP GIÁ TRỊ x QUI MÔ CUNG CẤP GIÁ TRỊ

Công thức này cho thấy, để nâng cao thu nhập, bạn phải không ngừng trau dồi chuyên môn, liên tục rèn luyện những kỹ năng mềm, và phải biết được đâu là những công việc tạo ra giá trị để dành thời gian, dồn lực và tập trung vào đó.

GIÁ TRỊ BẠN TẠO RA:
Không phải là cái bạn tự gán cho mình, mà là do người khác cảm nhận về bạn. Người ta cảm nhận giá trị của bạn qua 3 điều: những gì bạn làm được, những gì bạn giúp người khác làm được, và những gì bạn lan tỏa ra xung quanh.

THỜI GIAN CUNG CẤP GIÁ TRỊ:
Đừng lầm tưởng bất cứ việc gì bạn làm cũng tạo ra giá trị. Dù cho bạn có “cắm đầu cắm cổ” làm với tất cả mọi hăng say và nhiệt tình thì cũng chẳng “nghĩa lý” gì nếu đó không phải là công việc bạn cần làm, bạn phải làm và bạn được trả lương để làm. Khi làm việc, mỗi một vị trí đều được công ty mong đợi đóng góp đúng điều công ty cần. Khi bạn tập trung vào công việc sinh giá trị càng nhiều thì giá trị của bạn càng cao.

QUI MÔ CUNG CẤP GIÁ TRỊ:
Một mình bạn dù có “cày” hết sức thì đến một lúc nào đó bạn sẽ không còn sức lực hay thời gian để tăng thêm giá trị của mình được nữa. Nếu đã tập trung làm việc cực kỳ hiệu quả trong suốt 8 tiếng dành cho công việc rồi, hay cho dù bạn có dành luôn cả 24 tiếng để làm việc đi nữa thì cũng đến một giới hạn mà bạn không thể vượt qua để có thể tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Chìa khóa cho vấn đề này nằm ở việc tăng qui mô cung cấp giá trị thời gian và sức lực của một người thì giới hạn, nhưng của nhiều người thì vô hạn. Điều này có nghĩa là bạn phải tạo ra cho được những người khác có thể làm công việc giống như mình, xây dựng một hệ thống làm việc tạo ra kết quả giống mình nhưng với số lượng tăng lên gấp nhiều lần. Khi tạo ra được những người có thể thay thế mình thì bạn sẽ bước lên một vị trí cao hơn, và dĩ nhiên phần thưởng cho vị trí này sẽ xứng đáng.

2. Công thức quản lý tiền

STT
Tỉ lệ
Mục đích sử dụng
Diễn giải
1
50%
Tài khoản thiết yếu
Ăn, ở, mặc…
Học phí, bảo hiểm.
2
10%
Tài khoản hưởng thụ
Thưởng thức những món ăn ưa thích tại nhà hàng, các dịch vụ giải trí, thư giãn… nhằm nâng cao đời sống tinh thần sau một chu kỳ làm việc và tái tạo sức lao động cho một chu kỳ làm việc mới.
3
10%
Tài khoản giáo dục
Chi phí các khóa học kỹ năng, tư duy nâng cao.
Chi phí mua sách về các kỹ năng sống, kỹ năng làm giàu…
Đầu tư 10% thu nhập để biết cách giữ gìn và phát triển 90% thu nhập còn lại.
4
10%
Tài khoản tự do tài chính
Đây là con gà đẻ trứng vàng.
Mỗi lần tiết kiệm 10% tổng thu nhập cho các khoản đầu tư và tái đầu tư sinh lời dài hạn. Dần dần tài khoản này sẽ lớn lên và giúp chủ nhân của nó trở thành người giàu có, tự do về tài chính.
Nguyên tắc: không bao giờ sử dụng tài khoản này cho đến khi đạt mục đích tài chính.
5
10%
Tài khoản tiết kiệm dài hạn  cho chi tiêu
Những kế hoạch chi trong tương lai: xây nhà, mua xe, đám cưới, sinh con, du lịch…
6
5%
Tài khoản dự phòng
Dành cho những chi phí phát sinh không biết trước: hiếu, hỷ, bệnh tật, thất nghiệp, biếu, tặng…
Nếu không sử dụng hết, chuyển qua tài khoản từ thiện.
7
5%
Tài khoản từ thiện
Cho là nhận. Cho tình yêu nhận về hạnh phúc, cho tiền bạc nhận về sung túc...
Tổng
100%




Có thể bạn cho rằng “khi nào có tiền nhiều mới nghĩ đến công thức này”.
Nhưng, nếu không có thói quen quản lý tiền ngay từ bây giờ, bạn sẽ không bao giờ có đủ số tiền để áp dụng công thức này.

HOẶC BẠN CÓ CUỘC SỐNG TÀI CHÍNH NHƯ MONG MUỐN

HOẶC BẠN VẪN GIỮ NGUYÊN NHỮNG GÌ ĐANG HIỆN CÓ.

12/21/11

5 lý do nghèo


Có 5 lý do cốt yếu giải thích tại sao nhiều người hiểu biết về tài chính nhưng vẫn không thể phát triển được những dòng tài sản có thể tạo ra một lượng vòng quay tiền mặt lớn, những dòng tài sản có thể cho phép họ sống cuộc sống an nhàn thay vì phải làm việc toàn thời gian chỉ để “đủ sống”. Đó là:

1. Sự lo sợ
Tôi chưa bao giờ gặp ai thực sự muốn bị mất tiền cả. Và suốt đời tôi cũng không gặp được người giàu nào mà chưa từng bị mất tiền. Nhưng tôi đã gặp rất nhiều người nghèo không bao giờ để mất một xu nào... Đó chính là đầu tư.
Nỗi lo bị mất tiền là rất thực tế. Mọi người đều lo, ngay cả những người giàu. Nhưng nỗi lo đó không phải là vấn đề. Vấn đề là bạn xử lý nỗi lo đó như thế nào, xử lý việc mất mát như thế nào, xử lý các sai lầm như thế nào… đó mới chính là điều làm nên sự khác biệt trong cuộc sống mỗi người. Điều này đúng với mọi thứ chứ không chỉ riêng tiền bạc. Khác biệt chủ yếu giữa người giàu và người nghèo chính là cách họ điều khiển nỗi sợ đó.
Người cha giàu rất hiểu nỗi ám ảnh về tiền bạc. Ông nói: “Một số người rất sợ rắn. Một số khác rất sợ bị mất tiền. Cả hai đều là những kiểu ám ảnh”. Vì vậy, giải pháp của ông với nỗi ám ảnh bị mất tiền là: "Nếu anh ghét mạo hiểm và lo lắng, hãy bắt đầu mọi việc ngay từ sớm”.

2. Sự hoài nghi
Tất cả chúng ta đều có những mối nghi ngờ, đại loại như: “Tôi không khôn ngoan”, “Tôi không đủ khả năng”, “Có rất nhiều người tài giỏi hơn tôi”. Và những mối nghi ngờ này làm tê liệt chúng ta. Hoặc chúng ta luôn tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế bị khủng hoảng ngay sau khi tôi bỏ tiền đầu tư?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không làm chủ được và không thể lấy tiền lại?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ không theo kế hoạch?”… Hoặc chúng ta có những người bạn hay những người ta yêu mến luôn nhắc nhở chúng ta về những thiếu sót của chúng ta bất kể chúng ta hỏi họ chuyện gì. Họ thường nói: “Sao anh lại nghĩ rằng anh có thể làm được điều đó chứ?”, “Nếu đó là một ý tưởng hay thì tại sao không ai chịu làm?”, “Điều đó không bao giờ thực hiện được. Anh không biết anh đang nói gì cả”,... Những lời lẽ đầy nghi hoặc này thường nhiệt tình đến mức chúng ta không thể bắt tay hành động được nữa. Trong lòng chúng ta có một cảm giác khủng khiếp, đến độ chúng ta không tiến được lên phía trước. Vì vậy mà ta đứng lại với những gì an toàn và để cơ hội vuột qua. Chúng ta nhìn đời trôi đi khi chúng ta ngồi im bất động với một khối u nhạt nhẽo trong cơ thể. Tất cả chúng ta đều cảm thấy điều này vào một lúc nào đó trong cuộc sống, một số người thường xuyên hơn những người khác...

3. Sự lười biếng
Người bận rộn thường là những người lười biếng nhất. Ta đã nghe nhiều những câu chuyện về một nhà kinh doanh phải làm việc vất vả để kiếm tiền và chu cấp đầy đủ cho vợ con. Ông ngồi lì trong văn phòng nhiều giờ liền và đem việc ở công ty về nhà làm cả những ngày cuối tuần. Một ngày kia, ông trở về và phải đối mặt với một ngôi nhà trống. Vợ con ông đã bỏ đi. Ông biết giữa hai vợ chồng đang có rắc rối, nhưng ông vẫn thích làm việc hơn là củng cố lại mối quan hệ, vì vậy mà ông để mặc và tiếp tục lao vào công việc. Mất hết tinh thần, công việc của ông trượt dài và cuối cùng thì ông mất việc.
Ngày nay, tôi thường gặp nhiều người rất bận bịu với tài sản của họ. Và cũng có những người rất bận bịu lo lắng cho sức khỏe của họ. Đều cùng một lý do cả. Họ bận rộn, và họ xem việc bận rộn là một cách để né tránh cái gì đó mà họ không muốn phải đối mặt. Không ai biết điều đó. Nhưng từ sâu thẳm trong tâm hồn, họ biết. Thực sự, nếu bạn nhắc nhở họ thì họ thường trả lời bằng cách nổi giận hay cáu kỉnh.
Nếu họ không bận làm việc hay bận rộn với những đứa trẻ, họ thường bận xem truyền hình, câu cá, chơi gôn hay đi mua sắm. Tuy nhiên! sâu trong tâm hồn, họ biết rằng họ đang né tránh một điều quan trọng. Đó là dạng lười biếng thông thường nhất. Lười biếng bằng cách giữ cho mình bận bịu.

4. Những thói quen xấu
- Thiển cận: Có một thực tế rằng, người nghèo luôn chỉ đi tìm kiếm và nhận được những món lợi rất nhỏ trước mắt, và họ để dành những món lợi lớn cho những người giàu tìm kiếm. Đơn giản là vì những người nghèo họ không đủ kiên nhẫn và lòng tin để chờ đợi những món lợi lớn mà họ cho rằng mơ hồ. Người giàu thì ngược lại, họ không bao giờ mất thời gian quý báu của họ cho những món lợi nhỏ mà ai cũng tranh giành, họ tập trung cho những mục tiêu lớn. Sự khác biệt này được biểu hiện rõ nhất qua mục đích sống. Người nghèo họ không có mục tiêu, kế hoạch nào cho cuộc sống, đối với họ sống được ngày nào tốt ngày đấy. Người giàu thì luôn luôn có những mục tiêu, kế hoạch rất rõ ràng cho cuộc đời họ, ngay cả khi bị phá sản họ vẫn kiên định mục tiêu đó.
- Tham lam: Người nghèo luôn chỉ muốn nhận không của người khác. Họ bỏ ra hàng giờ mỗi ngày để săn tìm những đồ khuyến mãi thay vì tập trung nâng cao thu nhập, họ bỏ ra hàng đống tiền để mua vé số mong trở thành tỉ phú một cách nhanh nhất. Người giàu thì luôn tập trung thời gian và tiền bạc của họ cho việc kiếm tiền, nâng cao thu nhập. Họ sẵn sàng chi rất lớn để đầu tư cho những lợi ích dài hạn.
- Hoang phí: Người nghèo thường tiêu tiền nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Những chuyến shopping quá đà, những cuộc ăn nhậu quá chén, thói quen “đốt tiền” qua thuốc lá... được biện minh bằng 2 từ “tiêu sầu”. Hơn thế nữa họ còn sẵn lòng “cúng tiền” cho những trò mê tín như bói toán, đốt vàng mã… Người giàu họ chỉ mua những gì họ đang cần và tiêu tiền vào những gì mang lại tiền cho họ.
- Bỏ tiền ống heo: Người nghèo có thói quen tiết kiệm bằng cách bỏ ống heo. Đây chính là cách “sát hại tiền” hữu hiệu. Vì đến khi họ mở ống heo thì số tiền đó đã không còn giá trị như trước, thậm chí mục, rách, không tiêu được. Lý do tiết kiệm như vậy là để dành cho ngày khó khăn, và nguyện vọng của họ luôn được thỏa mãn cùng những ngày khó khăn sau đó. Người giàu họ tiết kiệm bằng cách đầu tư vào tri thức thông qua học tập, vào sức khỏe thông qua giải trí, bảo hiểm và vào những hoạt động sinh lời, hay chí ít cũng là gửi ngân hàng.

5. Tính kiêu ngạo
Sự kiêu ngạo là một cái tôi quá lớn cộng với sự thiếu hiểu biết. Người cha giàu thường bảo tôi: “Những gì cha biết giúp cha kiếm tiền, những gì cha không biết làm cho cha mất tiền. Mỗi lần kiêu ngạo cha lại bị mất tiền vì khi tỏ ra kiêu ngạo, cha thực sự tin rằng những gì mình không biết là không hề quan trọng”.
Tôi thấy có nhiều người dùng sự kiêu ngạo như một tấm bình phong để cố che giấu sự thiếu hiểu biết của mình. Điều này thường xảy ra khi tôi thảo luận các vấn đề tài chính với những kế toán viên hay thậm chí là những nhà đầu tư khác.
Họ cố thổi phồng bản thân họ qua cuộc thảo luận. Với tôi thì rõ ràng là họ không biết mình đang nói gì cả. Tôi không muốn nói là họ nói dối, nhưng thật sự là họ không nói thực.
Nhiều người trong thế giới tài chính và đầu tư hoàn toàn không có khái niệm gì về những điều họ đang nói. Hầu hết mọi người trong ngành công nghiệp tiền bạc này chỉ phun ra những lời rao hàng như những người bán xe hơi cũ vậy. 
Khi bạn biết rằng mình không hiểu biết về một lĩnh vực nào đó, hãy bắt đầu tự giáo dục chính mình bằng cách tìm một chuyên gia hay tìm đọc một cuốn sách nói về lĩnh vực ấy.


Đừng tự hào mình nghèo mà vẫn giỏi, hãy tự hỏi mình giỏi sao vẫn nghèo?!

12/15/11

Nô lệ và chủ nhân


Có 2 ông chủ quyền lực nhất thế giới nhưng lại không mấy người biết tới: Tiền và Cảm xúc.
Hầu hết mọi người đều là nô lệ của 2 ông chủ này nhưng không tự nhận ra điều đó.

Tiền
Các câu hỏi như “Bạn làm việc để làm gì?”, “Vì sao bạn thay đổi công việc?”, “Tại sao bạn phải làm thêm giờ?”… hầu hết đều có chung câu trả lời “Vì tiền”.
Dĩ nhiên là như vậy. Có mấy ai muốn làm việc không công, có ai mà không thích nhiều tiền. Nhưng kiếm tiền để làm gì, nhiều bao nhiêu thì đủ? Không mấy người trả lời được.
Có người biện minh rằng kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Vậy tại sao họ càng kiếm được nhiều tiền gia đình họ càng có nguy cơ đổ vỡ? Vì họ không hiểu mong muốn của chính gia đình họ.
Có người thì cho rằng kiếm nhiều tiền để cuộc sống sung sướng hơn. Nhưng đến khi có tiền rồi họ chỉ biết ngồi mệt mỏi nhìn đồng tiền mà thở dài cho thân phận mình.
Như vậy, rõ ràng chúng ta bị cuốn theo bước chạy của đồng tiền, làm nô lệ vô điều kiện cho đồng tiền.
Tiền là quan trọng, thậm chí vô cùng quan trọng, nhưng nó không phải tất cả. Tiền chỉ là công cụ để chúng ta đạt được mục đích sống.
Vấn đề ở chỗ chúng ta có xác định được mục đích sống và từ đó biết cách sử dụng đồng tiền hay không.
Hoặc chúng ta làm chủ đồng tiền hoặc chúng ta làm nô lệ đồng tiền.

Cảm xúc
Khi được hỏi “Vì sao nghỉ việc?” câu trả lời phổ biến là “ghét sếp”, “Tại sao tặng quà cho người đó?” câu trả lời dễ gặp là “thấy mến”, “Sao không đi chơi chung?” câu trả lời thường thấy cũng sẽ là vì không thích một ai đó.
Hay có rất nhiều người tự nhiên vui cười, buồn khóc một mình, giận dữ đến mất khôn… Vì sao? Do chúng ta không biết kiểm soát cảm xúc, để cho cảm xúc điều khiển hành động của mình.
Như vậy, rõ ràng chúng ta luôn bị cảm xúc giam cầm, cuộc sống chỉ quanh quẩn với những yêu, ghét, giận hờn một cách vô thức.
Cảm xúc là một phần quan trọng của mỗi con người, nó là chất xúc tác rất mạnh để đưa người ta đến thành công rực rỡ hay thảm bại. Vậy nên, hãy "vô tâm" với những điều bạn không hài lòng và tập trung toàn bộ khối óc, con tim vào những mục tiêu bạn đam mê và cho là đúng.
Nếu chúng ta biết biến cảm xúc thành động lực để đạt những mục tiêu trong cuộc sống thì chúng ta sẽ có được những gì chúng ta mong muốn, ngược lại, chúng ta sẽ bị cảm xúc chi phối, phá hoại mọi kế hoạch trong cuộc đời.
Hoặc chúng ta làm chủ cảm xúc hoặc chúng ta làm nô lệ cảm xúc.

Số phận

So do so phan.jpg

Bạn có biết số phận của mình ra sao không? Nếu không thì có muốn biết không?
Hay bạn là người không tin vào số phận?
Có số phận đấy! Giày dép còn có số huống chi con người. Mỗi người đều có một số phận riêng.
Số của giày dép và con người giống nhau ở chỗ đều do con người tạo ra. Nhưng, nó khác nhau ở chỗ số của giày dép không do nó tạo ra, còn số của con người thì do chính họ tạo nên.
Như vậy, mỗi con người đều có quyền lựa chọn và QUYẾT ĐỊNH số phận cho chính mình.
Tôi xin mượn giọng văn của Bác Hồ: Mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng như nhau. Ai cũng có quyền sống, quyền làm giàu và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Vậy dựa vào sở cứ nào mà có rất nhiều người lại cho rằng số họ phải như vậy, phải nghèo, phải khổ, phải “đơn thân gối chiếc”?
Đa phần những người này họ đều có lý do mà thoạt nghe khá ‘hợp lý’: Tôi sinh ra và lớn lên trong một ra đình nghèo, bố mẹ thất học; tôi có đầu óc kém thông minh, ngoại hình xấu xí…
Vậy tại sao Đoàn Nguyên Đức tuổi thơ ấu sống trên lưng bò, trở thành người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú thế giới; Steve Jobs bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc mới sinh, trở thành ông vua công nghệ máy tính; Thomas Editson bị đuổi học từ khi còn học tiểu học, điếc một tai lúc tuổi thiếu niên đi bán dạo ở ga tàu hỏa, trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới; Abraham Lincoln sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khổ, bố mẹ mù chữ, trở thành Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ...? Phải chăng họ là thần thánh? Đơn giản là họ không chấp nhận số phận nghèo khổ và họ tìm mọi cách để thay đổi nó. Còn những người nghèo khổ thì luôn TỰ TIN rằng họ ngu dốt, xấu xí, kém may mắn hơn những người khác. Chính vì luôn TỰ TIN vào những mặt hạn chế của mình nên suốt đời họ chấp nhận và sống cùng với cái số phận nghèo khổ ấy.
Khi mới sinh ra có đứa trẻ nào thông minh, khôn ngoan hơn đứa trẻ nào? Hoặc giả sử trao đổi hai đứa trẻ con nhà giàu và con nhà nghèo với nhau xem kết quả ra sao?
Cuộc sống những người giàu có, hạnh phúc luôn gắn liền với NIỀM TIN. Họ tin chính bản thân họ, tin mọi người xung quanh và làm cho mọi người tin mình. Còn những người nghèo khổ họ không tin ngay cả chính bản thân mình, họ luôn cho rằng tôi không thể làm được điều này, tôi không xứng đáng với điều kia…
Thế nên, chỉ cần bạn có NIỀM TIN bạn sẽ trở thành tất cả, có mọi thứ bạn muốn!
Niềm tin không thể hiện qua lời nói mà phải CAM KẾT bằng HÀNH ĐỘNG. Bạn không thể giàu có nếu bạn suốt ngày chỉ biết nói “tôi tin tôi là người giàu có”, nhưng khi có ai đó chỉ cách hoặc mời hợp tác làm giàu thì lại từ chối vì sợ thất bại, ngại vất vả.
Tôi xin kể hai chuyện vui về niềm tin:
Chuyện 1: Một anh chàng nghèo nhưng lười lao động nên anh ta nghĩ cách tốt nhất là trúng số. Ngày này qua ngày khác, anh ta cầu trời cho anh ta trúng số để cải thiện cuộc đời. Suốt một tuần liền bị kêu réo tra tấn, Trời bực mình quát vào tai anh ta: “Mày muốn trúng số thì chí ít cũng phải mua một tờ vé số chứ!”
Chuyện 2: Một anh chàng đi ngang qua đường núi bị trượt chân xuống vực. May mắn anh ta bám được vào mỏm đá nên không rơi xuống vực sâu nhưng cả thân mình treo lửng lơ không trèo lên được. Anh ta kêu cứu nhưng không ai nghe được, anh ta bèn cầu trời cứu giúp. Trời nghe vậy nói vào tai anh ta: “Ngươi hãy buông tay ra, ta sẽ giúp ngươi lên”. Nhưng anh ta sợ rơi xuống vực nên nhất định không buông tay và cứ thế treo mình kêu cứu.
Tuy nhiên, để có niềm tin mãnh liệt làm thay đổi cuộc đời, thay đổi thế giới, bạn phải xác định được SỨ MỆNH của mình. Bạn sinh ra để làm gì? Mục đích sống của bạn là gì?
Như vậy, có thể kết luận SỐ PHẬN = SỨ MỆNH.
Và cuối cùng, xin được chia sẻ một trích đoạn lời bài hát mà tôi vô cùng yêu thích, ‘Giới hạn nào cho chúng ta’:
Mỗi thứ trong đời điều chi cũng có cho nó riêng một giới hạn.
Ước muốn không trọn người thương yêu nhất cũng cho là dối gian.
Mới kết giao tình rồi ngày hôm sau lại chê trách nhau bội bạc, niềm tin nơi nhân thế luôn mỏng manh, tình người cho nhau cứ thay thật nhanh.
Mỗi kiếp con người nào ai không biết khao khát bao điều ước vọng.
Lúc hết hi vọng hầu như ai cũng trách than đời phũ phàng.
Hãy nghĩ suy rằng chẳng một điều chi tự nhiên cho ta dễ dãi, và cuộc đời ta đâu như cơn mơ mãi mãi, định mệnh buồn vui đều là do ta giữ lấy

Tôi ĐIÊN


Thế nào là ĐIÊN? Có bao nhiêu kiểu ĐIÊN? Và ĐIÊN là tốt hay xấu?
Tôi đã sống gần 10 năm với thương hiệu ĐIÊN, nhưng tôi vẫn luôn tự hào với sự ĐIÊN đó, bởi vì tôi hiểu thế nào là ĐIÊN.

Có 3 dạng người ĐIÊN:
1. Những người “nhặt lá đá ống bơ”
Những người này bị tổn thương dây thần kinh não bộ. Họ hành động hoàn toàn vô thức, suốt ngày lang thang, nói nhảm, và có những hành vi gây nguy hại cho bản thân và những người khác.
Thường sẽ bị nhốt trong nhà thương điên để điều trị.
2. Những người mong muốn điều tốt đẹp hơn nhưng không chịu làm gì để thay đổi
Đây là mẫu người chiếm đa số trong thế giới loài người. Những con người viển vông, hão huyền, hoang tưởng. Sống chỉ biết mơ mộng cuộc sống như trong phim nhưng lại không dám từ bỏ công việc đang phải chịu đựng hàng ngày, không chịu học hỏi thêm, không dám mạo hiểm lao vào những thử thách mới và làm việc mình yêu thích, không muốn đầu tư cho những lợi ích lâu dài trong tương lai mà chỉ biết víu chặt vào những gì đang hiển hiện trước mắt. Để rồi lựa chọn giải pháp an toàn, nhàn hạ và ít tốn kém nhất là ngồi xem ti vi và thỏa mãn với cuộc đời của những người không có thực.
Đặc điểm chung của những người này là SỢ HÃI.
3. Những người khát khao và hành động để THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Họ không quan tâm mọi ngưòi nghĩ gì, nói gì về họ, họ chỉ tập trung làm những điều họ đam mê và cho là đúng. Nếu kế hoạch của họ không thành công, suốt đời họ bị coi là kẻ dở hơi, sống phí, nhưng nếu thành công thì họ được coi là những thiên tài.
Gottlieb Daimler và Wilhelm Maybach thật điên rồ khi cho rằng người ta có thể cưỡi trên một thứ chạy nhanh, khỏe hơn cả ngựa. Và xe máy ra đời.
Hai anh em Orvill Wright và Wilbu Wright thật điên rồ khi cho rằng con người có thể bay trên trời. Và máy bay ra đời.
Philo Farnsworth thật điên rồ khi có ý định đưa cả thế giới sống động vào chiếc hộp nhỏ. Và tivi ra đời.
Alexander Graham Bell thật điên rồ khi cho rằng người ta có thể nói chuyện với nhau khi đang ở cách xa hàng vạn dặm. Và điện thoại ra đời.
Thomas Edison còn điên rồ hơn nữa khi cho rằng mình có thể treo ngược ngọn đèn lên trần nhà mà vẫn cháy. Và bóng đèn điện ra đời.
Steve Jobs cũng điên rồ không kém khi cho rằng một chiếc máy tính có thể xóa sổ cuốn sổ tay cả về mặt kích thước, trọng lượng và đương nhiên là cả tiện ích. Và Ipad ra đời.
Họ là những người ĐIÊN vĩ đại, những người mà không ai khuyên bảo được họ làm theo những gì được cho là ‘ĐÚNG’.

Cuộc đời này hầu hết ai cũng thấy mình là đúng, người khác là sai và yêu cầu mọi người phải thay đổi theo ý của mình. Cũng có 2 lý do cho điều này:
1. Tìm ra điểm xấu của người khác luôn luôn là điều dễ làm nhất
Người ta thường chỉ biết chỉ trích, công kích người khác nhưng có mấy ai thấu hiểu những câu “tiên trách kỷ hậu trách nhân” hay “nói người phải sờ lên gáy mình”?  Có ai là hoàn thiện không, nếu có thì đó không phải là người, vì “nhân vô thập toàn”. Vậy tại sao bản thân mình cũng đầy rẫy những điểm xấu nhưng không chịu tự mình xem lại mình, tự mình phải thay đổi mà cứ chê bai, xúc phạm người khác, yêu cầu người khác phải thay đổi?
2. Kinh nghiệm sống lâu năm
Ai cũng biết người sống lâu thì kinh nghiệm sống càng nhiều. Nhưng có mấy người nhận thức được kinh nghiệm đó là gì, để làm gì?
Những người suốt đời sống trong nghèo khổ cả về vật chất lẫn tinh thần thì kinh nghiệm của họ chỉ là những kinh nghiệm của người nghèo khổ, bệnh tật - kinh nghiệm làm nghèo, kinh nghiệm chữa bệnh. Vậy có đáng để học hỏi không trong khi chúng ta cần phải học những kinh nghiệm làm giàu, kinh nghiệm sống khỏe mạnh, hạnh phúc?
Họ luôn biện minh rằng vì cuộc đời họ nghèo khổ nên bây giờ họ biết phân biệt đúng-sai để khuyên bảo người khác. Nếu họ có khả năng nhận biết đúng-sai tại sao họ không tự mình làm những điều đúng để thay đổi cuộc đời chính họ mà chỉ biết xúi giục, áp đặt người khác?
Ở VN chắc cũng có nhưng truyền thông không phổ biến, ở phương Tây tôi biết rất nhiều người đã qua tuổi 60 nhưng họ vẫn luôn đi lùng sục các khóa học về tư duy sống của những diễn giả nổi tiếng. Và sau khóa học, chỉ mất 2 năm họ có được gấp 2 lần những gì họ phải khổ sở tìm kiếm, tích lũy suốt 60 năm qua cả về tiền bạc, danh vọng, hạnh phúc. Đấy mới chính là mẫu người biết nhận thức đúng-sai.

Vì sao rất nhiều người học cao nhưng lại vẫn nghèo khổ, nhưng có nhiều người ít học lại thành đạt? Nguyên do là cách học. Học vị cao, bằng cấp nhiều nhưng chỉ học được kiến thức, kinh nghiệm từ toàn những người giáo viên, cha mẹ, cô dì chú bác… cũng đang phải vật lộn với cuộc sống lam lũ. Những người ít học nhưng thành đạt vì họ không theo khuôn mẫu, lối mòn cũ, họ làm ngược lại những gì mà những người nghèo khổ kia khuyên bảo họ.
Người giàu có thì họ chẳng khuyên răn, chỉ bảo ai bao giờ. Mỗi khi được xin lời khuyên, họ luôn nói rằng "Tôi chỉ chia sẻ những gì tôi đã làm để có ngày hôm nay chứ tôi không khuyên bạn. Bạn không cần tin những gì tôi nói và tự lựa chọn quyết định cho mình".
Con người ta ai cũng có đầu óc, người ta chỉ nghe theo lời khuyên của những người mà họ chứng minh được sự thành đạt, viên mãn của họ. Đấy là sự học hỏi khôn ngoan, con đường dẫn đến thành công nhanh nhất.

Là một người ĐIÊN dạng 3, tôi rất tâm đắc câu nói của Gia Cát Lượng “se sẻ làm sao hiểu chí đại bàng”.

12/14/11

5 giải pháp refresh tinh thần



Thế giới mỗi ngày một phát triển và văn minh hơn. Nhưng trái ngược với đó, sức khỏe và hạnh phúc của con người ngày càng suy giảm. Thay vào đó là một trạng thái rất quen thuộc trong cuộc sống hiện đại – STRESS.
Vậy stress do đâu mà có và ngăn ngừa, khắc phục bằng cách nào?
Con người có 2 phần: thể xác và tinh thần. Nhưng, cuộc sống của con người tất cả đều do đời sống tinh thần quyết định.
Tôi xin giới thiệu 5 phương pháp để cải thiện đời sống tinh thần, giúp các bạn có một cuộc sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

1. Đọc sách, báo
Văn hóa đọc là lối sống điển hình của mẫu người tri thức. Đọc để tìm kiếm những kiến thức mới, thông tin mới và giá trị mới giúp cho người đọc mở rộng tầm nhìn, thay đổi tư duy, suy nghĩ.
Đọc sách để học hỏi những kinh nghiệm sống quý báu trong mọi lĩnh vực, được đúc kết từ những thành công của những người thành đạt và nổi tiếng trên thế giới. Từ những kinh nghiệm đó sẽ giúp bạn có những giải pháp cho cuộc sống của mình và cũng tạo ra những kỹ năng sống cho riêng mình.
Ví dụ: Đắc nhân tâm, Thay thái độ đổi cuộc đời, Nâng cao sức mạnh tinh thần, Sức mạnh của hiện tại, Grow rich with peace of mind...
Đọc báo, internet… để cập nhật thông tin cuộc sống hàng ngày, để biết những gì đang xảy ra trên thế giới và xung quanh ta. Đó là cách giúp bạn luôn đồng hành với sự chuyển động của thế giới, để bạn sống thay vì tồn tại.
Nhiều người chết từ năm 25 tuổi, và mãi đến năm 75 tuổi mới được chôn cất
Benjamin Franklin.


2. Thư giãn
Thư giãn giống như con dao 2 lưỡi, nếu biết thư giãn đúng cách sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích tinh thần, ngược lại, thư giãn không đúng cách chẳng qua chỉ là thú tiêu khiển chốc lát nhưng để lại rất nhiều hậu quả về sức khỏe, tiền bạc, tình cảm, công việc…
Sau đây là những phương pháp thư giãn phổ biến:
@; Xem phim: Phần lớn người Việt Nam chỉ thích xem những bộ phim tâm lý ủy mị, hoang tưởng, kệch cỡm, những bộ phim này làm cho người ta sống theo kiểu “người trời”, suy nghĩ thiển cận, tiêu cực. Tôi khuyên bạn hãy xem những phim hành động 1 tập như của Mỹ. Những phim này không làm tốn thời gian theo dõi của bạn, nội dung rất sát với thực tế và có tính giáo dục cao.
Ví dụ phim Karate Kid với 4 bài học lớn:
- Cuộc đời có thể quật ngã ta, sau khi ngã ta có 2 lựa chọn: nằm im hoặc đứng lên.
- Trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, thái độ quan trọng hơn kết quả.
- Không có học trò tồi, chỉ có người thày không tốt.
- Cách tốt nhất để vượt qua sợ hãi là đối đầu với những gì làm ta sợ hãi.
@; Nghe nhạc: cũng giống như xem phim, phần lớn người Việt Nam chỉ thích nghe mấy thứ nhạc rên rỉ, rầu rĩ, buồn thảm. Một buổi sáng tôi nghe được thứ nhạc này trên chuyến xe bus, cả ngày hôm đó bỗng nhiên chán nản không muốn làm gì nữa. Nếu đang buồn mà nghe nhạc này chắc tự tử. Vậy tại sao bạn không sưu tầm những bản nhạc tạo cảm giác hưng phấn, yêu đời như “Đất nước trọn niềm vui”, “Anh em ta về”, “Đường đến ngày vinh quang”, “Vũ điệu thần tiên”, “Giới hạn nào cho chúng ta”…?
@; Tiệc tùng: Kiểu thư giãn này dễ bị người ta hiểu nhầm với nhậu - thứ văn hóa ẩm thực rất tiêu cực của người Việt Nam . Thay vào đó, hãy rủ nhau cùng góp lương thực và tất cả cùng nhau chế biến các món ăn mình ưa thích. Và cùng thưởng thức các món ăn đó với ly rượu vang bên những câu chuyện rôm rả thì còn gì vui bằng.
@; Du lịch: Cách thư giãn này nghe tưởng như rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bạn hãy nghĩ khác đi một chút, đó có thể chỉ là một chuyến đi thăm sở thú, công viên vui chơi hay những địa danh nổi tiếng ngay trong thành phố bạn sinh sống.
Thư giãn là để cân bằng cuộc sống chứ không phải mua vui, hưởng thụ”.

3. Thể dục, thể thao
Đây cũng là một cách thư giãn rất lành mạnh. Tuy nhiên, bạn có thể ngạc nhiên rằng rèn luyện sức khỏe chỉ liên quan đến ngoại hình và sức đề kháng chứ tác động gì đến tinh thần. Giống như hệ thống tai - mũi - họng, sức khỏe - thể hình - tinh thần là một hệ thống không thể tách rời. Bạn có một sức khỏe tốt, ít ốm đau bệnh tật, một thân hình cân đối thì tâm trí bạn luôn tự tin, lạc quan, yêu đời và độ lượng. Ngược lại, bạn có thể sống vui với một thân hình xấu xí và suốt ngày phải làm bạn với bác sĩ, viên thuốc?
Thể dục, thể thao cũng giúp bạn có thời gian rảnh để ngắm cảnh, ngắm người, giao lưu kết bạn.
Khi có sức khỏe ta có rất nhiều ước mơ, không có sức khỏe ta chỉ có một ước mơ duy nhất là sức khỏe”.

4. Suy nghĩ tích cực
Chuyến bay của bạn toàn là VIP và bạn cũng có một buổi họp quan trọng với đối tác lúc 3h chiều nay, nhưng chuyến bay bị hoãn đến 3h chiều mới cất cánh. Những hành khách cùng chuyến bay người thì la lối om sòm tại phòng chờ, người thì chửi mắng nhân viên sân bay, người thì yêu cầu gặp quản lý sân bay, người thì gọi điện phản ánh với báo chí, người thì ngồi chán nản chịu đựng. Bạn phản ứng theo nhóm người nào?
Thay vì phẫn nộ, bực dọc, bạn hãy kiếm một cuốn sách, tờ báo mà đọc, hoặc kiếm một người nào đó cùng ngồi trò chuyện giao lưu hay gọi những cuộc điện thoại cần thiết. Không phải tôi khuyên bạn về lòng vị tha và nhẫn nại mà khuyên bạn hãy nghĩ xem vì sao chuyến bay phải hoãn? Mỗi chuyến bay bị hoãn hãng hàng không phải chịu rất nhiều phí tổn liên đới và cả uy tín của hãng, vậy họ đâu có muốn hoãn chuyến bay trừ phi vì lý do an toàn cho toàn bộ hành khách. Bạn có muốn mình ngồi trên chuyến bay đó đúng giờ nhưng sau đó ước gì mình không đi chuyến bay này?
Đeo kính màu đen sẽ thấy mọi vật tối sầm, đeo kính màu xanh sẽ thấy vạn vật rạng rỡ”.

5. Đời sống tình dục lành mạnh
Đa số người Việt Nam sẽ rất ngạc nhiên và cảm giác thẹn thùng khi đọc tiêu đề này. Nếu bạn cũng vậy thì vui lòng đọc lại tiêu đề 4.
Người Á Đông nói chung thường coi tình dục chỉ như một nghĩa vụ vợ chồng và là một chuyện khó nói. Cũng dễ thông cảm bới đó là văn hóa nhận thức từ xa xưa.
Nhưng người phương Tây họ lại rất hiểu những tác dụng của tình dục đối với cuộc sống tinh thần và họ coi đó là một phần tất yếu của cuộc sống cần được phát triển nên không hề e ngại khi bàn luận. Thậm chí xuất bản sách, báo, phim, ảnh để giáo dục giới tính.
Tình dục là một nhu cầu sinh lý tất yếu của con người, nó không chỉ giúp cho bạn có thêm niềm vui trong cuộc sống và còn giúp cho bạn có làn da, vóc dáng đẹp hơn, tăng sức đề kháng ngăn ngừa được rất nhiều bệnh tật thường gặp như cúm, dạ dày… Và hơn thế nữa, tình dục còn là nhân tố chính giúp bạn duy trì hạnh phúc gia đình.
Con người thiếu đời sống tình dục giống như cây chỉ có cành và lá

Và phương pháp hữu hiệu nhất là THIỀN. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ những ai học thiền mới vận dụng được nên tôi chỉ nêu ra đây để tham khảo.

Vì sao nghiện games online???

  • Các câu trả lời thường nghe:
  1. Kiếm tiền trên mạng => kiếm hay mất?
  2. Rảnh rỗi => tại sao không lo học, lo làm?
  3. Thư giãn => thư giãn gì đến 10 tiếng/ngày?
  4. Chơi để biết => sau khi biết rồi sao vẫn chơi?
... => tất cả chỉ là ngụy biện!
  • Các biện pháp chữa trị thường thấy:
  1. Cắt trợ cấp => cắt khoản nào, kiểm soát các khoản còn lại ra sao?
  2. Theo dõi, cấm chỉ => được bao lâu?
... => tất cả chỉ để chữa phần ngọn mà không trị phần gốc.
  • Hãy làm sáng tỏ 2 câu hỏi:
  1. Thế nào là nghiện?
  2. Đối tượng nghiện games online là ai?
Nghiện có 3 dạng:
- Nghiện sinh lý: cơn thèm khát giống như một nhu cầu sinh lý. VD nghiện ma túy, rượu.
- Nghiện tâm lý: cơn thèm khát bắt nguồn từ sở thích dẫn đến thói quen. VD nghiện games online, đánh bài.
- Nghiện tâm-sinh lý: tổng hợp cả 2 dạng trên. VD nghiện thuốc lá, cà fê.
Nghiện thực chất là cấp độ đỉnh cao cho sự đam mê của con người. Vì sự đam mê này, người ta sẵn sàng đánh đổi mọi thứ khác để được thỏa mãn với nó.
Trong 3 dạng trên thì nghiện tâm lý là khó điều trị nhất vì nó đã trở thành một thói quen, một phần cuộc sống con người. Nghiện sinh lý và tâm-sinh lý có thể điều trị bằng những phương pháp "thà một lần đau" rất cơ bản; nhưng nghiện tâm lý phải dùng phương pháp giáo dục chuyên biệt mới có thể chữa trị tận gốc, đặc biệt là phải trị ngay từ khi chưa nghiện.
Đối tượng nghiện games online chủ yếu là trẻ con, thanh niên mới lớn và những người có công việc ổn định. Tất cả những đối tượng có một điểm chung: KHÔNG MỤC ĐÍCH SỐNG.
Trẻ con thì chưa biết gì, thanh niên mới lớn thì chưa định hình được tương lai, vậy người có công việc ổn định thì sao? Đây chính là những người mục đích sống không rõ ràng nhất. Họ luôn an phận với việc hàng ngày 8 tiếng có mặt tại cơ quan và hài lòng với vị trí, số tiền lương hàng tháng nhận được.
Vì không có mục đích sống, không dám hành động để thay đổi nên tất cả những người này họ tìm đến games online với những cuộc sống ảo như mơ và họ hoàn toàn thỏa mãn với cuộc sống thứ 2 đó. Ở đó họ có những gì họ mơ ước mà không phải dấn thân vào những thử thách, không phải lo sợ những thất bại cay đắng. Ở đó họ được gặp những người giống như họ để giao lưu, đồng cảm.
Và như thế, nếu đột ngột bắt ép họ quay lại với thế giới thực vô điều kiện sẽ làm họ bị sốc và có thể dẫn đến những kết cục không mong muốn. Cách tốt nhất là phải nhờ đến những chuyên gia hoặc những người họ tôn trọng, thần tượng để chỉ cho họ những niềm đam mê lớn hơn trong cuộc sống. Khi họ đã thực sự trải nghiệm cùng những đam mê mới tích cực hơn, thế giới games sẽ tự động biến mất trong cuộc đời họ, thay vào đó là cuộc sống ý nghĩa.
Giáo dục tư tưởng chính là liệu pháp tốt nhất vừa để phòng vừa để chữa bệnh nghiện games online.

Virus busy


“Ôi, bận lắm!”,
“Ôi, sao nhiều việc quá!”,
“Trời ơi, thở không nổi, mở mắt không xong!”
“Sao thời gian ít quá vậy! Ước gì ngày có 48 tiếng!”…

Đó là những lời than thở thường gặp ở bất cứ nơi đâu, bất cứ công việc gì và hầu hết người lao động.
Thực sự là thời gian quá ít, công việc quá nhiều? Hay do chúng ta không biết cách quản lý thời gian và công việc?
Liệu rằng một ngày có 48 tiếng hay 84 tiếng có giúp chúng ta giải quyết được vấn đề công việc và thời gian?
Mấu chốt vấn đề là do chúng ta không biết quản lý, sắp xếp và tiết kiệm thời gian. Nếu ngày dài hơn thì khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, thời gian lãng phí cũng sẽ nhiều hơn, và lại tiếp tục “ước gì…!”.
Nếu xét về công việc nhiều nhất thì đó là ai: Tổng thư ký Liên hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga, Chủ tịch nước Trung Quốc, Chủ tịch tập đoàn Microsft… Vậy tại sao những người này họ vẫn thảnh thơi có thời gian đánh golf, du lịch…? Sẽ có nhiều người trả lời rằng vì họ giỏi. Đúng là họ rất giỏi, nhưng họ quản lý thời gian và công việc ra sao?
Rất đơn giản, chỉ có 5 nguyên tắc vàng sau:
1. Luôn có kế hoạch làm việc và tuân thủ kế hoạch đó.
Bạn đã bao giờ lập kế hoạch làm việc cho mình chưa, nếu có thì bạn có theo đuổi tới cùng kế hoạch đó hay chỉ lập cho có?
Những người bị “quá tải” là thường do “không biết làm gì trước bây giờ” và việc gì cũng muốn, cũng phải làm ngay để rồi mỗi việc làm đuợc một chút và cuối cùng không việc nào trọn vẹn. Kết quả là phải “tự nguyện” làm thêm giờ để xong hết mọi việc.
Nếu có kế hoạch làm việc nghiêm túc bạn sẽ biết được mình cần phải ưu tiên việc nào làm trước, việc nào làm sau, thậm chí việc nào không cần làm, và quan trọng hơn cả là xác định thời điểm nào phải xong việc nào. Với một kế hoạch chi tiết như vậy bạn sẽ biết mình có thực sự quá tải hay không.
Do vậy, kế hoạch chính là chìa khóa quan trọng nhất giúp bạn có thời gian rảnh và hiệu quả trong công việc.
2. Từ chối những công việc phát sinh không cần thiết.
Một trong những bức xúc lớn nhất của người lao động là không kiểm soát được kế hoạch công việc của mình, đang làm việc này lại bị một việc khác xen ngang. Lúc đó sẽ khiến người lao động bị mất cảm hứng làm việc và sẽ sinh đối phó.
Trong những trường hợp như vậy hãy nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn với người giao việc cho mình rằng “Tôi đã có kế hoạch chi tiết để hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, tạm thời tôi không thể đáp ứng yêu cầu công việc phát sinh này được”. Bạn và cả người giao việc cho bạn đều phải hiểu chức năng, nhiệm vụ của mỗi thành viên. Nếu người giao việc cho bạn là loại người làm việc không có kế hoạch hoặc chỉ biết lợi ích bản thân mà bắt bạn phải làm theo những gì họ yêu cầu thì môi trường làm việc đó chỉ là nơi bạn đang lãng phí thời gian!
3. Không lãng phí thời gian.
Rất nhiều người than vãn họ có quá ít thời gian, nhưng thực tế họ lại đang rất lãng phí thời gian.
Trong thời gian làm việc thì họ lo “à ơi”, cà phê, trà, đọc báo lá cải, chơi game, chat, lướt web vô bổ… đến 2/3 thời gian, đến sát giờ kết thúc ngày mới cắm đầu làm việc trong tình trạng bị sếp hối thúc. Và họ cho như vậy là công việc quá tải, sếp khó tính.
Thậm chí có những người không có thời gian dành cho gia đình, dành cho việc rèn luyện sức khỏe, dành cho việc nâng cao tri thức… thế nhưng, họ có thể cà phê, nhậu, đánh bài thâu đêm suốt sáng.
Những người này không chỉ lãng phí thời gian mà còn lãng phí cuộc đời.
4. Chia sẻ công việc.
Chia sẻ món ăn thì dễ nhưng chia sẻ công việc thì không hề đơn giản.
Ở cấp độ lãnh đạo, quản lý thì chia sẻ công việc chính là giao việc cho cấp dưới. Nhưng không phải cứ có chức, có quyền là muốn giao việc sao cũng được. Giao việc phải hợp lý để vừa giữ được người và vừa tạo cho người lao động làm việc với tinh thần và hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, người sếp phải đặt niềm tin và giao những trọng trách cho cấp dưới để cấp dưới thấy được tầm quan trọng của họ đối với sếp, đối với tổ chức mà quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao.
Ở cấp độ nhân viên, chia sẻ công việc là cách để mọi thành viên có được sự bình đẳng và đoàn kết hơn. Khi thấy có những thiên lệch về khối lượng công việc giữa bạn và các thành viên khác, bạn hãy chủ động trình bày ý kiến với sếp theo hướng tích cực nhằm san sẻ quyền lợi và nâng tầm quan trọng của các thành viên khác. Như vậy các thành viên khác sẽ không có cảm giác là bạn so bì, đùn đẩy công việc mà họ sẽ tiếp nhận công việc mới một cách phấn khởi.
Một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật chia sẻ công việc đó là sự công bằng, phải chia sẻ cả những quyền lợi đi kèm.
5. Chủ động.
Đây là thước đo về Tầm nhìn của bạn. Nếu bạn chỉ biết làm theo những gì người khác yêu cầu thì bạn chẳng có tầm nhìn gì hết, nhưng nếu bạn luôn nghĩ ra trước những điều cần làm, làm trước những điều mà công việc sẽ đòi hỏi thì bạn đã có tầm nhìn của một người lãnh đạo thực thụ.
Vậy phải làm sao để chủ động?
Trước hết, bạn phải nắm rõ chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của mình.
Thức hai, phải hiểu rõ văn hóa, mô hình tổ chức của công ty.
Thứ ba, phải biết định hướng phát triển của công ty, của bộ phận.
Thứ tư, phải am hiểu về lĩnh vực hoạt động của mình.
Thứ năm, luôn học hỏi và tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo nâng cao hiệu quả công việc.
Hãy là người điều khiển công việc chứ đừng để công việc điều khiển mình.

Hệ lụy của việc luôn quá tải công việc vì thiếu thời gian là biến chúng ta thành những robots, suốt ngày chỉ biết lao theo công việc, đầu óc bị chết cứng. Một ngày nào đó chợt tỉnh ra thì đã quá muộn.
“Nhiều người chết từ năm 25 tuổi, và mãi đến năm 75 tuổi mới được chôn cất”
Benjamin Franklin

Hãy dành 10 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ để rà soát lại những gì mình đã làm trong ngày, có đúng tiến độ kế hoạch không, cần điều chỉnh yếu tố nào và bài học kinh nghiệm.

Phí và không phí



Bạn đang tiêu dùng thời gian, tiền bạc, sức khỏe... một cách hợp lý hay phung phí?
Bạn có hài lòng về những gì bạn đang nhận được so với những thứ bạn phải bỏ ra?
Bạn là người nhận thức và hành động theo cảm xúc hay lý trí, con tim hay khối óc?

Phí (cảm xúc)
Không phí (lý trí)
Thời gian chat, game, web giải trí…
Ai cũng hiểu thời gian là vàng bạc, nhưng có bao nhiêu người biết tận dụng thứ vàng bạc vô tận đó?
Thời gian học tập, nghiên cứu, làm việc.
Mỗi giờ học mạng lại một kho kiến thức, mỗi giờ ứng dụng kho kiến thức vào công việc mang lại một kho tiền.
Café, nhậu.
Có một số rất ít các buổi café và nhậu mang ý nghĩa giao lưu, thương mại thực sự, còn lại chỉ toàn là hành động giết thời gian, tốn tiền, hại sức khỏe.
Nhưng tại sao người ta vẫn thường xuyên phung phí cả thời gian, tiền bạc và sức khỏe?
Các buổi hội thảo chuyên đề, đọc sách.
Ở đây những tư tưởng lớn sẽ gặp nhau, những tư duy tích cực sẽ thúc đẩy nhau phát triển, mỗi thành viên đều là học trò, là thày giáo của nhau, chia sẻ cho nhau tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm về mọi mặt trong cuộc sống.
Bạn có bao nhiêu người bạn khi gặp khó khăn?
Đánh bài, bida, chọi gà,… ăn tiền.
Đây không chỉ là những trò vô cùng tốn tiền, mất thời gian mà còn làm băng hoại lối sống, nhân cách. Nhưng những người tham gia luôn ngụy biện rằng đó là thú vui giải trí.
Mỗi cuộc vui như vậy mang lại gì cho sức khỏe, tri thức, tiền bạc, hạnh phúc gia đình của bạn?
Rèn luyện sức khỏe.
Khi có sức khỏe người ta có nhiều mơ ước, khi không có sức khỏe người ta chỉ có một mơ ước là sức khỏe.
Nhiều người có thể phung phí cả ngày trời cùng với tiền triệu trên các chiếu bạc, bàn nhậu,… nhưng 30 phút tập thể dục mỗi ngày là quá dài đối với họ.
Bia, rượu, thuốc lá giải sầu.
Đây là cách giải sầu phổ biến. Nhưng ngoài việc tốn tiền, phí thời gian, giảm sức khỏe thì nó thực sự giúp người người ta bớt sầu hay thêm sầu, tỉnh táo hơn hay ngu muội đi?
Những người bạn tốt hoặc trung tâm tư vấn.
Khi gặp rắc rối, nếu chịu đựng một mình sẽ chỉ làm vấn đề thêm bế tắc. Những lúc này ta cần sự chia sẻ, góp ý chân thành, khách quan của những người thân thiết hoặc những chuyên gia.
Đốt vàng mã, bói toán.
Khi cuộc sống không như ý, đa số người ta sẽ mong chờ những phép màu trên trời rơi xuống.
Đốt vàng mã thực chất là đốt tiền. Thật mâu thuẫn khi người ta đốt tiền để cầu mong có tiền!
Người ta đốt tiền nhưng có biết tiền đó sẽ đi đâu về đâu, sẽ giúp người đốt có được lợi gì?
Nếu như người ta giàu lên vì đốt nhiều vàng mã thì lúc đó tiền lưu hành trên thế giới sẽ là tiền hiện hành hay tiền âm phủ?
Bói toán là cách để tự lừa bản thân, giết chết ý chí sống. Những người có khả năng phán quyết cuộc đời người khác phải là những người có quyền lực, giàu có nhất thế giới chứ không phải những kẻ ngồi trong một xó nhà âm u.
Khi bế tắc, thay vì đọc những cuốn sách như “Thay thái độ đổi cuộc đời” hay đi tìm những lời khuyên của những người thành đạt thì người ta lại thích giao phó số phận vào miệng những kẻ “mù”.
Tại sao thày bói không đoán được tương lai của họ? Nếu họ nói hôm nay bạn phải chết, bạn sẽ làm gì?
Mua bảo hiểm.
Mỗi giây trôi qua chúng ta đều phải có chi phí. Ngay cả khi ngủ cũng phải chi phí tiền điện, khấu hao tài sản, thuê nhà, lãi ngân hàng… Đó là chi phí sống.
Thậm chí khi chết cũng phải tiêu tốn hàng trăm triệu lo hậu sự.
Tất cả là chi phí cuộc đời. Và những chi phí đó không bao giờ đòi lại được.
Nhưng không nhiều người ý thức được bảo hiểm cũng là một chi phí sống cần thiết mà lại được bồi hoàn tất cả mọi chi phí.
Bảo hiểm là một cách chủ động đối phó với rủi ro, giải trừ tất cả các tiên đoán xấu của thày bói, thay đổi những cái gọi là số phận. Vậy mà phần lớn người ta chỉ thích tin vào số phận, chờ đợi việc gì đến sẽ đến rồi tính tiếp. Trước mắt cứ hưởng thụ phung phí, đến lúc gặp họa thì kêu trời bất công.
Đi siêu thị phải bỏ tiền gửi xe vì sợ mất xe, nhưng tiền bảo hiểm cho căn nhà, cho sức khỏe, cho một mạng người thì lại tiếc. Phải chăng những tài sản lớn hay mạng người không thể mất đi hay không có giá trị gì?

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn