8/5/11

Con và Kế hoạch


Sự tương đồng giữa một quy trình kế hoạch (PDCA) và một quá trình nuôi dạy con.

KẾ HOẠCH
CON
1. Lập kế hoạch (Plan)
Đây là bước quan trọng nhất. Vì để lập được ra một bản kế hoạch thì trước đó phải có cả một quá trình chuẩn bị, tìm tòi, nghiên cứu. Kế hoạch có tốt thì các bước thực hiện sau mới áp dụng được, nếu kế hoạch không tốt thì các bước sau vô nghĩa.
1. Sinh con
Đây là bước quan trọng nhất. Vì trước khi sinh cha mẹ đứa bé phải có cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cả về vật chất, kiến thức và tư tưởng để đón nhận đứa bé. Đứa bé có mạnh khỏe, thông minh thì mới nuôi dạy nên người được, nếu đứa bé dặt dẹo, đần độn thì chỉ nuôi cho có con chứ chẳng làm được gì.
2. Tổ chức thực hiện (Do)
Lập ra kế hoạch rồi thì phải giao cho ai làm gì và làm như thế nào.
2. Chăm con
Sinh con ra rồi thì phải chăm bẵm cho con lớn và khỏe mạnh, cho con đi học, đi chơi…
3. Kiểm tra (Check)
Giao việc rồi thì phải kiểm tra xem người thực hiện có làm đúng hay không, có gặp trở ngại nào gây ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch hay không.
3. Tìm hiểu con
Khi con đã lớn phải thường xuyên tiếp cận, trao đổi để nắm được tư tưởng, nhận thức của con đối với những gì con tiếp thu được từ gia đình, trường học và xã hội.
4. Điều chỉnh (Ajust)
Khi phát hiện những điều còn chưa hợp lý phải kịp thời điều chỉnh để đảm bảo tiến độ kế hoạch.
4. Dạy con làm đúng
Khi phát hiện thấy con có những nhận thức, suy nghĩ chưa đúng thì cha mẹ phải chỉ bảo, uốn nắn ngay để con hiểu vấn đề cho đúng và hỗ trợ con giải quyết những vướng mắc.

Chữ NHẪN để dạy con


Tại sao nhiều phụ huynh cứ phải khổ sở gào thét, đánh đập con cái nhưng chúng vẫn không làm được như những gì mình mong muốn?
Mong muốn của các bậc phụ huynh đối với con cái đã hợp lý hay chưa?

Để dạy con nên người, tôi chỉ khuyên các bạn một từ: NHẪN.
Nhẫn ở đây bao gồm: Kiên trì, Vị tha và Lạnh.

1. Kiên trì
Dạy con nên người không phải chuyện một sớm một chiều. Đứa bé 2 tuổi chỉ có thể tập chào hỏi, thưa gửi, 3 tuổi mới biết tự múc cơm ăn, tự đánh răng, 4 tuổi mới biết phụ cha mẹ lau dọn nhà, tập tắm gội một mình… chứ không thể đòi hỏi chúng phải làm được hoàn chỉnh mọi thứ như những người lớn.
Muốn học đại học phải qua được lớp 12, muốn làm Trưởng Phòng phải có quá trình làm nhân viên trước đó.
Nên muốn dạy con trưởng thành, tự lập phải tìm hiểu tâm sinh lý trẻ qua từng độ tuổi và phải có một kế hoạch dài hạn 10, 20 năm chứ không phải chỉ “đến đâu hay đến đó”, hoặc “từ từ rồi nó cũng lớn”.

2. Vị tha
Trẻ con không có kinh nghiệm sống, không biết cảm giác của người khác nên thường có những trò đùa gây hư hại tài sản hoặc làm người khác bị đau. Rất nhiều phụ huynh sau đó nổi cáu đánh cho đứa trẻ một trận ra trò như để hả dạ. Kết quả là đứa bé dần dần không còn dám chơi, dám đùa nữa và trở thành một đống bột vô dụng.
Những lúc như vậy sao người lớn không tự hỏi rằng hồi mình nhỏ mình có khác gì chúng không?
Thay vì cáu giận tại sao không điềm tĩnh chỉ cho đứa trẻ thấy nó đã sai chỗ nào và tự cam kết sẽ không tái phạm! Đây chính là cách giáo dục bằng tình thương và truyền kinh nghiệm sống cho đứa trẻ thêm khôn lớn.

3. Lạnh
Ông bà, cha mẹ nào mà chẳng thương con, thương cháu! Nhưng nếu thương không đúng cách thì vô tình đang làm hại đứa nhỏ và làm khổ cho bản thân mình.
Trẻ càng lớn càng cần phải được tự lập trong sinh hoạt thay vì suốt ngày được bao bọc bởi vòng tay nâng đỡ của phụ huynh. Rất nhiều phụ huynh có tâm lý “thôi làm luôn cho con” để đỡ mất thời gian nhưng sẽ tạo thói quen lệ thuộc cho đứa trẻ. Những đứa trẻ như vậy khi nào mới biết tự đánh răng, rửa mặt, tự xúc cơm ăn, tự thay đồ, tự đi ngủ…? Và có phụ huynh nào cứ phải chạy theo phục dịch hết mọi nhu cầu cơ bản cho đứa trẻ mà không nổi cáu? Kết quả của một tình thương không đúng cách là trẻ hư và tình cảm của đứa trẻ với phụ huynh ngày càng dạn nứt sau mỗi lần nổi cáu vô lý của người lớn.
Đừng nghĩ rằng cứ mặc cho trẻ tự làm mọi thứ là làm khổ nó, mà ngược lại. Hãy tạo cho mình một chút “máu lạnh” để tập cho trẻ thói quen tự lập trong cuộc sống.
Trẻ thường gây khó chịu nhất là giờ ăn và giờ đi ngủ. Cứ để chúng tự ăn, có vãi cơm khắp nhà hay phải mất cả tiếng đồng hồ cũng mặc, dần dần chúng sẽ tự biết hoàn chỉnh mọi thứ. Khi đi ngủ cũng mặc cho chúng tự đi vào giấc ngủ, không hát ru, không vỗ, không hối thúc, vài ngày đầu sẽ khó chịu nhưng sau đó chúng sẽ có thói quen ngủ rất tốt.

3 x “một phút” giáo dục con


Mỗi khi đứa trẻ hư phải bị trừng phạt, các bậc phụ huynh có bao giờ tự hỏi:
-         Mình đang giáo dục con hay đang hành hạ con?
-         Mình đang giáo dục con hay chỉ muốn trút bỏ cơn giận của bản thân?
-         Tại sao càng đánh, càng la mắng đứa trẻ càng lì lợm, càng hư hơn trước?

Xin được giới thiệu các bậc phụ huynh 3 bí kíp nhỏ để biến những đứa trẻ hư thành những đứa trẻ ngoan và những đứa trẻ ngoan trở thành người có ích.
Tuy nhiên, xin lưu ý rằng, phương pháp giáo dục này phải thường xuyên và bền bỉ chứ không phải ngày một ngày hai, và trước hết phải thay đổi những quan điểm, thái độ của các bậc phụ huynh về giáo dục con cái.

I. Một phút phê bình
Khi con cái mắc lỗi có rất nhiều cách phạt, phổ biến ở Việt Nam là roi vọt, nhẹ hơn là la mắng. Như vậy, có vẻ như người lớn sẽ cảm thấy được thỏa mãn tâm lý sau khi xả stress vào đứa trẻ, không những vậy còn được tiếng là “thương cho roi cho vọt”.
Nhưng, có ai hiểu được tâm lý đứa trẻ lúc đó. Thực ra không phải nhờ đến chuyên viên tâm lý nào cả, hãy hỏi chính mình. Nếu mình bị người khác đánh đập, la mắng thậm tệ khi mình mắc lỗi mình có phục không? Hồi nhỏ mình có cảm giác sao khi bị bố mẹ mình xử sự như vậy?
Trẻ con tuy còn nhỏ nhưng đều có nhận thức, lòng tự trọng cá nhân, nếu dùng hình thức bạo lực để xử phạt chỉ khiến chúng “cứng đầu” hơn và “ghi lòng tạc dạ” những trận đòn này chứ không có ý định sửa đổi. Đây là mầm mống tạo nên những con người bạo lực. Như vậy, cái vòng luẩn quẩn ‘hư → đánh → càng hư → càng đánh…’sẽ không bao giờ kết thúc trong tuổi thơ của đứa trẻ. Hơn nữa còn thể hiện sự bất lực của cha mẹ.
Cách xử phạt tích cực nhất dành cho trẻ là “một phút phê bình”.
Nửa phút đầu bạn hãy thể hiện những cảm xúc giận dữ, bực bội với đứa trẻ về hành vi sai trái của chúng. “Tại sao con lại đánh bạn? Bố rất bực mình về hành động của con, như vậy là rất xấu”…
Sau nửa phút đầu trút giận, bạn ngưng vài giây để đứa trẻ cảm nhận sự giận dữ đó và tự thức về hành vi sai trái của mình. Đây cũng là lúc để bạn nguôi cơn giận.
Nửa phút sau bạn hãy cho đứa trẻ biết nó là đứa trẻ ngoan, thông minh và đừng nên mắc những lỗi như vậy. Quan trọng hơn cả là bạn cho bé biết bạn rất yêu bé rồi ôm bé động viên. “Bố rất tự hào và luôn tin tưởng con là đứa trẻ ngoan, thông minh và lẽ ra con không nên làm như vậy. Con luôn là con yêu của bố”…
Như vậy, nửa phút đầu khiến đứa trẻ cảm giác như mình là một đứa bé hư hỏng, xấu xa và muốn buông xuôi. Nửa phút sau giúp bé thấy bé vẫn còn giá trị, vẫn được yêu thương và tự hứa sẽ sửa đổi để không làm buồn lòng người luôn thương yêu mình.

II. Một phút khích lệ
Đa số người ta chỉ thích được khen chứ không thích phải khen người khác. Đây là thói ích kỷ của con người. Vậy nếu như bạn làm điều gì tốt, ai cũng biết mà họ coi như chuyện thường, chẳng ai khen ngợi, động viên bạn thì bạn cảm giác ra sao? Có còn muốn làm tốt nữa hay không?
Trẻ em cũng vậy, chúng thường có những hành động gây chú ý người lớn bởi chúng muốn được công nhận. Nếu ta không kịp thời khen ngợi, động viên chúng thì vô tình sẽ khiến chúng trở nên tự ti, trầm cảm.
Hãy luôn biết phát hiện ra những thành công dù là nhỏ nhất của trẻ để khen ngợi, động viên chúng tự tin, năng động và sáng tạo hơn. Đồng thời, hành động này tạo cho trẻ sự chân thành, cởi mở với cha mẹ hơn, giúp cha mẹ hiểu con sát hơn. “Hay quá, con thật là khéo léo và thông minh. Hồi bằng tuổi con bố còn chưa biết sắp chén đũa để cả nhà cùng ăn cơm thế này đâu”…
Có một đứa bé tên Pohn rất thích chơi bowling. Ông bố chiều ý con, nhưng ông đã thể hiện được mình là ông bố đặc biệt. Mỗi khi con tập chơi bowling ông lại đặt thêm 2 chai vào 2 bên đường biên. Nếu bạn mới biết chơi bowling thì những lần lăn bóng đầu tiên bóng sẽ đi theo đường nào? Và khi lớn lên Pohn trở thành siêu sao trong làng bowling thế giới.

III. Một phút kế hoạch
Có kế hoạch sẽ biết mình thành công hay thất bại, không kế hoạch mãi mãi chẳng tìm thấy thành công. Kế hoạch là một phần rất quan trọng trong cuộc sống nhưng rất ít người nhận thức và thực hiện nó. Người ta chỉ biết làm theo kế hoạch của người khác chứ không có kế hoạch cho riêng mình. Thậm chí chỉ đưa ra cho mình những mục tiêu tầm thường chứ không dám có những ước mơ cao xa.
Trẻ em cũng vậy, nếu không luyện cho chúng cách sống có kế hoạch ngay từ nhỏ thì lớn lên chúng sẽ nhút nhát và chỉ biết phụ thuộc vào người khác. Mỗi khi làm việc gì, hãy để trẻ tự thiết lập mục tiêu cho mình, kế hoạch thực hiện mục tiêu đó và cho chúng đọc lại trong 1 phút. Cha mẹ sẽ giúp trẻ chỉnh sửa để có được mục tiêu không quá xa vời và những bước kế hoạch phù hợp, chi tiết. Với những mục tiêu, kế hoạch chỉ đọc trong một phút sẽ tạo cho trẻ một áp lực để phát sinh một nghị lực phải hoàn thành cho được mục tiêu này chứ chúng không có thời gian để cảm thấy mục tiêu này khó hay dễ thực hiện. Đây chính là sức mạnh tiềm thức của trẻ.
Mảnh đất màu mỡ nếu cứ để không thì dần dần sẽ thành đất khô, nhưng nếu ta gieo hạt vào mảnh đất màu mỡ đó thì sẽ cho ra những cây xanh tốt. Tiềm thức của trẻ chính là mảnh đất màu mỡ, cha mẹ phải gieo hạt bằng những mục tiêu cho trẻ thực hiện.

Tại sao trẻ em Mỹ cá tính, tự lập, sáng tạo hơn trẻ em Việt Nam?
Sự khác biệt là do giáo dục tinh thần. Đứa trẻ nào cũng giống nhau là đều có cho mình một ước mơ từ nhỏ. Nhưng, ở VN phần lớn những ước mơ cao siêu của trẻ thơ đều bị cha mẹ chúng dập tắt ngay khi vừa nói ra. “Thôi con đừng mơ mộng viển vông hão huyền, cố gắng học hành nên người rồi kiếm lấy một công việc ổn định mà sống”. Đây là tư tưởng “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa”. Và những đứa trẻ cứ lớn lên theo một cuộc đời buồn tẻ đã được định sẵn từ nhỏ, đó gọi là số phận, còn ước mơ mãi mãi chỉ là mơ ước. Ở Mỹ lại khác, khi đứa trẻ đưa ra ước mơ của mình thì cha mẹ chính là người chắp cánh cho ước mơ đó trở thành hiện thực bằng cách giúp con xây dựng và khích lệ con phải hoàn tất từng mục tiêu nhỏ để đạt được mục đích lớn.

Con cái chính là phiên bản của cha mẹ. Con ngoan thì cha mẹ giỏi, con hư thì cha mẹ hãy tự trách mình trước!

10 sai lầm kinh điển khi dạy con

1. Luôn miệng phàn nàn


Lỗi thứ nhất là phụ huynh dường như có quá nhiều điều cấm đối với bé và luôn miệng phàn nàn: "Đừng đánh em", "Không được kéo đuôi con mèo"... 

Khi cha mẹ nói “không” thường xuyên sẽ khiến bé trở nên chai sạn với từ này. Hơn nữa, phụ huynh thường nói với các bé không được làm gì đó nhưng lại không chỉ cho bé việc gì có thể làm. Vì thế, hãy tiết kiệm từ “không” cho những tình huống thực sự nguy hiểm (khi bé lại gần ổ cắm điện chẳng hạn). 

2. Sử dụng đòn roi

Đánh con không giải quyết được vấn đề. Con bạn sẽ hiểu rằng người ta có thể giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Hãy nhớ rằng bạn đang dạy con chứ không phải thực thi quyền lực với con.

Khi bạn quát bé, bé có thể cũng quát lại mẹ. Cảm xúc này ngày một mạnh mẽ và khó kiểm soát hơn, nhất là khi bé lớn lên. Nhưng tất nhiên khó cha mẹ nào có thể tránh được cáu giận. Nếu bạn lỡ lời, nên thành thật xin lỗi bé và sửa chữa về sau.


3. Mâu thuẫn trong cách dạy con

Cùng một hành vi của con những bạn lại thể hiện hai thái độ khác nhau với hai cách xử lý khác nhau khiến con cảm thấy khó hiểu và không “tâm phục khẩu phục”. 

Nếu có một lần bạn cười khi con nói bậy, lần khác bạn lại mắng và áp dụng hình thức kỉ luật, con sẽ không hiểu được thế nào là đúng. Tốt nhất bạn nên đặt ra các quy tắc và cùng con thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc đó.


4. Phạt không đúng tội

Khi con vô tình đánh vỡ một đồ vật gì đó trong nhà, bạn mắng mỏ và đánh đòn sẽ khiến con nghĩ rằng cha mẹ quý đồ vật hơn quý mình. Khi con buồn bực mà đập vỡ đồ chơi, mắng mỏ không giải quyết được vấn đề gì cả. Hãy yêu cầu con tiết kiệm tiền để mua đồ chơi mới.

5. “Chụp mũ” cho con
 
Đừng có lúc nào cũng chụp mũ cho con kiểu: “Con luôn là đứa vội vàng ẩu thả”, “con thật đãng trí, suốt ngày đánh mất đồ…”. Hãy lắng nghe ý kiến của con trước khi mắng mỏ hay buông lời nhận xét.

6. So sánh với người khác
 
Đừng bao giờ kích con bằng những kiểu so sánh như: “Sao con cũng được học cùng thầy giáo với bạn Quân mà con lại không giỏi bằng bạn ấy?”, “Sao chị con học tiếng Anh giỏi thế mà con lại không bằng một nửa của chị?”… 

Những kiểu so sánh “khiêu binh khích tướng” như vậy gần như không có tác dụng mà còn làm cho trẻ mặc cảm, tự ti, ghen tị và phá vỡ mối quan hệ của con với người được so sánh.

7. Không quan tâm đến thời gian con ở trường
 
Ngoài khoảng thời gian bên gia đình, trường học là nơi gắn bó với con bạn nhiều nhất. Đó cũng là nơi có ảnh hưởng lớn trong việc phát triển và hình thành nhân cách của con. Vì vậy, sẽ thật sai lầm nếu sáng bạn đưa con đến trường, chiều đón về mà không quan tâm gì khác.
 
Thường xuyên liên lạc với giáo viên là cách gián tiếp bạn thể hiện sự quan tâm và tình yêu bạn dành cho con. Hơn nữa, việc làm này còn mang lại lợi ích thiết thực cho bạn, khi tạo được mối quan hệ tốt với giáo viên, bạn sẽ nhanh chóng biết được những biểu hiện và thay đổi khác lạ của con để có sự can thiệp kịp thời.


8. Chỉ nói mà không làm

Bạn yêu cầu bé tắt tivi đi nhưng bé vẫn xem phim hoạt hình vì lời nhắc nhở mờ nhạt của mẹ. Hãy kiên trì, cho bé cơ hội thứ hai, nghiêm khắc nhắc bé đã hết giờ xem tivi; hoặc là bé tự tắt tivi hoặc là mẹ sẽ làm điều này. Để bé tuân theo nguyên tắc, yêu cầu của mẹ nên rõ ràng và mẹ không được phá vỡ chúng.

9. Không giữ được bình tĩnh
 
Mặc dù những hành động của con có thể làm bạn tức điên, nhưng không bao giờ được phép dạy con khi đang cáu giận. Quát mắng, chửi thề, mất tự chủ khi dạy con sẽ khuyến khích những hành vi không tốt của con trong quan hệ với bạn bè, gia đình như: La hét, cáu giận, bạo lực. Thay vào đó, hãy dành thời gian tĩnh tâm lại. Khi nào đã cảm thấy thật sự bình tĩnh, hãy thẳng thắn, ôn tồn nói chuyện với con. Lời nói của cha lúc đó sẽ có sức nặng.

10. Không là người vợ hay chồng tốt
 
Cách bạn đối xử với vợ hay chồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống, cách xử sự cũng như các mối quan hệ của con sau này. Nếu vợ chồng bạn thường xuyên chọn giải pháp tranh cãi để giải quyết mâu thuẫn, chắc chắn con bạn sau này sẽ đối xử với bạn đời y như thế.
 
Khi bạn đối xử với vợ hoặc chồng nhẹ nhàng, tinh tế và tôn trọng, trẻ sẽ biết nâng niu giá trị gia đình, cảm nhận hạnh phúc và thấy ấm áp, an toàn hơn.

Sưu tầm.

10 Điều tối kỵ không nên nói với con


Ở Việt Nam rất ít bậc phụ huynh được trang bị kiến thức để giáo dục con một cách khoa học. Thường thì chỉ giáo dục con theo những phương thức truyền thống dựa trên cảm tính bản thân như la mắng, roi vọt…
Làm sao một đứa trẻ có thể đáp ứng được yêu cầu phải làm được như những người đã 30 - 40 tuổi!?
Vậy mà có nhiều phụ huynh hành xử, nói năng với trẻ như thể chúng bằng mình, gây ảnh hưởng trầm trọng đến phát triển tâm lý, trí tuệ của đứa trẻ.
Dưới đây là những câu nói rất…

1. Cút khỏi nhà ngay
Gia đình là tổ ấm, là nơi nương tựa duy nhất của trẻ em. Vậy khi bị cha mẹ đuổi đi thì chúng biết đi đâu, làm gì khi mới vài tuổi đầu?
Cha mẹ thì chỉ đơn giản là la mắng cho hả giận nhưng còn đứa trẻ thì sao? Nhỏ thì chỉ biết khóc lóc tủi thân và sống trong tâm trạng bất an vì có thể bị đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Lớn thì khăn gói ra đi vì lòng tự trọng bản thân và cứ đi mà không biết đi về đâu, miễn sao ra khỏi nhà.
Hậu quả cuối cùng là gì? Ai gánh chịu?

2. Con thấy không, chỉ tại hôm qua con làm gãy cánh quạt mà hôm nay mẹ cứ phải quạt tay thế này
Người ta nói “đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”, chuyện đã xong rồi, lỗi đã xử rồi thì thôi. Nhưng rất nhiều phụ huynh có tật xấu là cứ mỗi khi gặp chuyện gì không hài lòng lại đem những lỗi trong quá khứ của đứa trẻ ra để đay nghiến.
Điều này làm đứa trẻ bị tổn thương tâm lý trầm trọng và hình thành nỗi sợ hãi không dám làm, không dám chơi vì nếu mắc lỗi sẽ bị cha mẹ bêu giễu suốt đời.
Đứa trẻ đó sẽ lớn lên như thế nào?

3. Cho mày ăn học bao nhiêu tiền của mà chẳng ra sao cả
Việc cho con ăn học là nghĩa vụ của cha mẹ hay là một hình thức kinh doanh? Khi nghe cha mẹ kể công như vậy đứa trẻ còn cảm nhận được tình thương của cha mẹ không, còn tôn trọng cha mẹ không? Hay là chúng bắt đầu tính công nuôi dưỡng để lớn lên kiếm tiền trả lại cho cha mẹ chúng.
Và tổn hại nhất là chúng không còn hứng thú với việc học hành nữa vì chúng coi đó là món nợ đời của chúng.

4. Bằng tuổi nhưng con người ta biết giúp cha mẹ đủ việc, con mình thì vô tích sự
Đứa trẻ sẽ nghĩ gì? Sao cha mẹ không đổi con cho họ? Sao cha mẹ không được như cha mẹ của đứa bạn kia?
Trẻ con phát triển lúc này lúc kia, cha mẹ cứ lúc nào cũng “đứng núi này trông núi nọ” bắt con mình cái gì cũng tốt hết thì nó đâu còn là người thường nữa. “Nhân vô thập toàn”, tại sao cha mẹ không nhìn ra những cái tốt của con mình, những điều mà những phụ huynh khác mong muốn ở con họ, mà cứ soi mói những nhược điểm của con mình. Làm như vậy đứa trẻ lúc nào cũng cảm thấy mình là đồ bỏ đi vì đứa bạn nào cũng sẽ có điểm tốt hơn nó.
Đứa trẻ tội nghiệp như vậy có muốn tiếp tục cuộc sống không?


5. Thời cha mẹ phải khổ cực đủ đường nào là … bây giờ các con đầy đủ điều kiện …
Ai dám nói trẻ con bây giờ sung sướng. Trẻ con hồi xưa học ngày 4 tiếng, có sân chơi thỏa thích, trẻ em ngày nay học ngày 12 tiếng, không có chỗ để vui chơi, chỉ quanh quẩn ở nhà rồi lại đến trường, sướng không?
Thời xưa khổ vì 3 thiếu “thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học”, còn thời nay khổ vì đã có ăn, mặc, học. Thời xưa chỉ cần ăn cho no bụng, thời nay ăn đâu chỉ để no mà phải phát triển chiều cao, trí não, tránh bị ngộ độc… Thời xưa cùng nhau mặc áo vá chả ai cười ai, thời nay mặc quần áo lành lặn, ấm áp có khi còn bị mọi người nhìn ngắm như người ngoài hành tinh. Thời xưa chỉ cần học để biết đọc, biết viết, biết tính toán, thời nay học ở Việt Nam nhưng phải biết tận bên Mỹ hiện ra sao, học một bằng không đủ phải 2, 3 bằng mới xin được việc làm. Thời xưa làm gì có chuyện học sinh tự tử, nhưng thời nay thì quá nhiều vì chúng không chịu nổi áp lực cuộc sống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Vậy thời nào khổ, thời nào sướng? Đứa trẻ sẽ thầm nghĩ trong đầu “ước gì con được sống thanh thản, vui vẻ như thời ấu thơ của cha mẹ”

6. Không đạt điểm cao thì đừng có ăn cơm
“Trời đánh còn tránh miếng ăn” mà sao có nhiều phụ huynh lại nhẫn tâm vậy? Bữa ăn mà tạo áp lực cho đứa trẻ thì liệu nó có nuốt nổi cơm không, có lớn lên được bằng các bạn không?
Tệ hơn cả là chứng bệnh thành tích luôn quanh quẩn những người cha mẹ này. Họ không quan tâm con họ học ra sao, sáng tạo như thế nào mà chỉ cần điểm số cuối cùng là bao nhiêu. Như vậy thay vì đứa trẻ sáng tạo, cố gắng tìm tòi nhiều phương pháp học mới thì nó phải tìm nhiều cách học đối phó để có được điểm cao mang về cho cha mẹ, nhưng đằng sau điểm số đó là một cái đầu rỗng tuếch.
Bạn muốn con mình là một đứa trẻ biết cách học rồi lớn lên làm chủ hay một đứa trẻ luôn đạt điểm cao trong học tập để lớn lên đi làm thuê cho những người học trung bình?

7. Đừng mơ mộng hão huyền con ơi
Vì sao Mỹ rất nhiều nhân tài nhưng Việt Nam tìm không ra? Bởi vì bên Mỹ nhìn những người “điên” là nhân tài còn Việt Nam nhìn nhân tài là người điên. Người nghèo thì tư duy cũng nghèo, lúc nào cũng chỉ ôm lấy cái tư tưởng phải đi cày thuê để kiếm ngày 3 bữa cơm qua ngày. Như vậy là sống hay tồn tại?
Đứa trẻ nào ngay từ nhỏ cũng có những ước mơ rất cao sang, nhưng ở Việt Nam, càng lớn lên thì ước mơ càng nhỏ lại, thậm chí bị dập tắt ngay từ nhỏ bởi cha mẹ luôn “dạy” rằng “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa”.

8. Tao đập chết mày bây giờ
Có người cha người mẹ nào dám làm điều mình nói trên không? Hổ dữ còn không ăn thịt con mà!
Đứa trẻ lần đầu tiên nghe vậy thì cũng rất sợ. Nhưng lâu dần câu hù dọa cứ lặp lại mà không thấy ai thực hiện thì đứa trẻ còn sợ không, còn tin vào những gì cha mẹ nói không?
Hơn nữa, nói chuyện với con cái mà xưng “mày – tao” thì thử hỏi cha mẹ sẽ dạy con phải lễ phép, lịch sự như thế nào. “Mày – tao” có nghĩa là những người bằng vai phải lứa chứ đâu phải cha mẹ - con cái. Vậy thì việc gì đứa trẻ phải sợ sệt nghe lời những người bằng vai phải lứa.

9. Biết như thế này tao bóp chết mày từ khi mới lọt lòng
Đứa trẻ nghĩ gì? “Sao cha mẹ lại nhẫn tâm để con sống đến tận bây giờ”.
Tại sao khi đứa trẻ mới chào đời dễ thương, là niềm vui, niềm tự hào của cha mẹ, là nguồn động viên an ủi để cha mẹ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thì đến lớn lên cha mẹ lại nói những lời cay độc như thế?! Đứa trẻ có thật sự đáng phải chết một cách tàn nhẫn như vậy không?

10. Tao không có đứa con như mày
Đây là gáo nước lạnh tậm lý đầu lên đầu đứa trẻ. Sau khi nghe chúng sẽ tự hỏi “vậy mình con ai?”, “mình đáng bị ruống bỏ đến như vậy sao?”, “cuộc đời mình sau này sẽ ra sao đây?”, “tại sao bấy lâu nay mình cứ phải gọi mấy người này là cha mẹ?”…
Vậy từ đây tình cảm mẫu tử, phụ tử có còn đằm thắm trong tim đứa trẻ nữa không?


Giáo dục con trước hết phải giáo dục cha mẹ. Cha mẹ phải dùng tình thương yêu và trí tuệ của mình để giáo dục con thì con cái sẽ trưởng thành và thành đạt. Nếu chỉ vì thiếu kiến thức mà cứ giáo dục con theo kiểu thỏa mãn cơn giận bản thân trước thì đứa trẻ lớn lên cũng chỉ là một người vô tích sự như cha mẹ nó vậy!

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn