5/10/12

Lý thuyết <=> Thực tế

Lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới có buổi cà phê ngắn ngủi nhưng thật tuyệt vời. Buổi cafe chưa đầy 1 giờ với anh Lê Nhật Trường Chinh.
Qua buổi nói chuyện, tôi có được rất nhiều bài học hữu ích cho sự nghiệp đào tạo. Nhưng có một điều mà tôi đặc biệt lưu ý, đó là khái niệm về các bài học lý thuyết và thực tế.
Có một thực tại mà ai cũng thừa nhận rằng những bài học trong nhà trường chỉ là lý thuyết. Kết quả của cách giáo dục này là hầu hết người ta sau khi tốt nghiệp phải lo đi xin việc khắp nơi để có miếng cơm manh áo hàng ngày. Vậy có bao nhiêu người hiểu rằng tất cả những lý thuyết đó cũng được đúc rút từ những kinh nghiệm xương máu của bao thế hệ người từ hàng nghìn năm về trước?
Vài thập kỷ gần đây, có một nghề khá hút khách xuất hiện - nghề diễn giả. Nghề diễn giả nhanh chóng tạo được vị thế trong xã hội vì những chương trình đào tạo hoàn toàn khác với những gì có trong nhà trường. Khác với thày giáo, người diễn giả chủ yếu thuyết trình những nguyên tắc mình đã áp dụng thực tế và thành công nhằm giúp cho học viên cũng có một con đường đến thành công giống như mình. Học viên trong những khóa học này thường khá thích thú với phong cách thuyết trình và những trải nghiệm thực tế của diễn giả. Tuy nhiên, cũng chỉ được khoảng 1% số học viên sau khóa học có sự thay đổi và đạt được những thành công rực rỡ.
Vì sao 2 cách giáo dục khác nhau nhưng lại có cùng một kết quả? Đơn giản là cách nào thì cũng chỉ là truyền đạt kiến thức hay kinh nghiệm thực tế của giảng viên chứ không phải những trải nghiệm thực tế của người học. Có thể nhiều người có bí quyết để thành công và muốn chia sẻ lại cho người khác, tuy nhiên, những bí quyết đó chưa chắc đã đúng với những gì mà người học viên đang thiếu. Và cuối cùng nó cũng chỉ là lý thuyết.
Làm sao để các buổi học không còn là lý thuyết?
Vài năm gần đây đã có một số chuyên gia đào tạo áp dụng những phương pháp đào tạo theo chiều sâu, tác động đến từng học viên cụ thể. Có thể kể đến Anthony Robbins, T.Harv Eker... Và phần lớn học viên những khóa học này sau đó đều đạt được những kết quả phi thường so với trước đó. Đó chính là phương pháp đào tạo của thời đại tri thức, nêu bật vấn đề của từng cá nhân học viên rồi sau đó bằng kiến thức và kinh nghiệm của huấn luyện viên đưa ra những giải pháp trải nghiệm phù hợp và hiệu quả nhất cho từng trường hợp cụ thể. Và kết quả là học viên được trải nghiệm thực tế với chính vấn đề của mình để loại bỏ những thói quen xấu trước đây, áp dụng những tư duy mới để thành công trong cuộc sống.

Bài học lý thuyết hay thực tế, hiệu quả phải được đánh giá qua kết quả ứng dụng của học viên.

5/6/12

5 bài học kinh điển

Trẻ em thường có những suy nghĩ và hành động rất ‘bản năng’. Tuy nhiên, có rất nhiều những bài học từ ‘bản năng’ của trẻ em nhưng người lớn thường quên lãng, và nếu ai biết cách áp dụng thì sẽ đạt được những thành công rực rỡ.
Dưới đây là 5 bài học rất căn bản nhưng kinh điển mà người lớn cần phải học trẻ con.

1. ƯỚC MƠ LỚN
Có một nghịch lý trong cuộc sống rằng, khi bé thì thường mơ ước lớn nhưng càng trưởng thành thì mơ ước càng 'teo' lại. Lý do bởi càng lớn thì người ta càng gặp nhiều khó khăn, thất bại trong cuộc sống dẫn đến nỗi sợ ngày một lớn và bóp nghẹt dần những ước mơ.
Những ước mơ của trẻ em chỉ dựa trên cảm tính, sở thích chứ không có căn cứ về bằng cấp, học vấn, về hoàn cảnh, nguồn lực… và đặc biệt, những ước mơ này không bao giờ có bóng dáng của những nỗi sợ.
Thực tế đã chứng minh, tất cả những người hoàn thành được ước mơ của mình họ đều chỉ có duy nhất một yếu tố hơn hẳn những người khác, đó là khát vọng thực hiện ước mơ. Những vĩ nhân đó chính là Hồ Chí Minh, Steve Jobs, Beethoven…
Vậy tại sao rất nhiều trong số chúng ta cứ để những nỗi sợ ấu trĩ, sự tự ti đè nén những ước mơ, thậm chí có rất nhiều người ngay cả mơ cũng không dám?!

2. SUY NGHĨ ĐƠN GIẢN
Khi hỏi “bệnh gì bác sĩ phải bó tay”, hầu hết những người lớn sẽ trả lời AIDS, ung thư hay nhiều thứ bệnh ghê gớm khác, thậm chí có nhiều người nghĩ ‘thoáng’ hơn như bệnh lười, bệnh dại gái… Nhưng với một đứa bé thì câu trả lời sẽ là “gãy tay”.
Hoặc một câu đố khác: Vật gì giống như cuốn sổ tay? Nào, bạn hãy dừng lại 10 giây suy nghĩ xem.
Đừng quá phức tạp, đó chính là cuốn sổ tay.
Trong cuộc sống có rất nhiều những tình huống, những câu nói rất đơn giản mà người ta lại thích suy diễn đủ điều làm cho nó phải trở nên vô cùng phức tạp. Ví dụ, lâu ngày nhớ bạn cũ nên gọi nhau đi uống café trò chuyện hỏi thăm. Người bạn kia sẽ nghĩ rằng chắc tên này có gì muốn nhờ vả mình đây, hay là muốn mời đám cưới… và để phòng thủ nên đã từ chối cuộc hẹn sau một hồi tưởng tượng đủ lý do.
Suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động tương ứng. Những suy nghĩ và hành động đơn giản giúp mọi người dễ hiểu nhau, thân thiện hơn và tăng cường sự hợp tác. Những suy nghĩ phức tạp làm mọi người dễ bị stress và hiểu lầm để rồi xa lánh nhau. Suy nghĩ đơn giản cũng giúp mọi người nhìn nhận vấn đề dễ dàng và quyết tâm thực hiện.
Vậy tại sao không chọn cách suy nghĩ đơn giản mọi vấn đề chứ?

3. ĐỨNG DẬY SAU KHI NGÃ
Điều này muốn nói theo khía cạnh ý chí bất khuất khi gặp những trở ngại, thất bại trong cuộc sống.
Một đứa trẻ đang đi bị vấp ngã, việc đầu tiên là đứng dậy, phủi chân tay và sau đó đi tiếp.
Bạn có thấy đứa trẻ nào sau khi ngã rồi nằm luôn không? Có, một số rất ít những đứa trẻ nhõng nhẽo hoặc do cú ngã mạnh làm đứa trẻ đau không thể đứng dậy ngay.
Còn bạn thì sao? Nếu gặp những thất bại trong cuộc sống bạn sẽ ‘đứng dậy đi tiếp’ hay bỏ cuộc? Thử tưởng tượng một đứa trẻ đang tập đi, bị vấp ngã rồi bỏ cuộc thì sẽ ra sao? Đứa trẻ đó suốt đời ngồi xe lăn. Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều những mục tiêu, những kế hoạch, nhưng nếu chúng ta không quyết tâm theo đuổi những mục tiêu đó, thực hiện những kế hoạch đó thì suốt đời chúng ta bị dìm trong vòng xoáy của sự tồn tại ‘ăn – làm việc – ngủ – ăn – làm việc – ngủ…’.
Cuộc đời có thể quật ngã ta, sau khi ngã ta có 2 lựa chọn: nằm luôn hoặc đứng lên.

4. ĐẶT CÂU HỎI CHO NHỮNG GÌ KHÔNG RÕ
Một trong những đặc điểm của trẻ em là hỏi và hỏi. Chúng hỏi mọi nơi, mọi lúc, mọi người và mọi vấn đề. Có nhiều người lớn thậm chí còn phát cáu vì những câu hỏi của đứa trẻ, nhưng họ không hiểu rằng đó chính là cách những đứa trẻ đang lớn lên, đang tự hoàn thiện trí não của mình.
Thay vì ‘giấu dốt’, những đứa trẻ luôn nỗ lực tìm ra câu trả lời cho mọi vấn đề thông qua việc làm đơn giản, đó là hỏi người khác. Điều này ở người lớn thì lại phổ biến theo chiều ngược lại. Vì ‘cái tôi’ quá lớn nên người lớn thường tỏ ra biết hết mọi thứ, không chịu học hỏi, không chịu hợp tác, chỉ đến khi phải nhận hậu quả do sự thiếu hiểu biết của mình thì mới cuống cuồng tìm cách đối phó.
Trên đời này còn điều gì bạn chưa biết? Nếu câu trả lời là không còn điều gì hay chỉ còn vài điều thì rõ ràng bạn cũng không phải là người. “Nhân vô thập toàn” mà.
Chỉ những con ‘ếch ngồi đáy giếng’ mới tưởng mình là giỏi, là biết hết mọi thứ. Những người tài giỏi, giàu có họ không ngừng tìm tòi, học hỏi bất cứ ai, bất cứ đâu và bất cứ lúc nào mà họ biết có những điều họ còn đang thiếu.
Biết đến khi nào mới xuất hiện một người không bao giờ cần sử dụng những câu hỏi?

5. CHƠI VỚI BẠN ĐỒNG TRANG LỨA HOẶC LỚN HƠN
Đây là một tính cách khá thú vị của trẻ em. Chúng không thích chơi với những đưa trẻ nhỏ hơn, ngay cả đó là em ruột. Chúng sẽ kết với nhau thành một nhóm cùng lứa để cùng chơi với nhau hoặc theo những anh chị lớn hơn để học hỏi.
Người lớn thì thường ngược lại. Họ thích giao du với những người thấp kém hơn mình để thể hiện ‘cái tôi’ vô nghĩa, muốn được những người ‘dưới tầm’ tung hô mình. Rất ít người đủ tự tin và khát vọng được giao du với những người hơn mình.
Tục ngữ có câu “Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu”. Câu này có 2 ý, một ý là những người ‘đồng đẳng’ thường vào hội với nhau, một ý là khuyên mọi người nếu muốn nâng tầm mình lên thì phải biết giao du với những người hơn mình để có cơ hội được học hỏi và phấn đấu được như những người đó.
Tại sao bạn phải giao du với những người mà bạn không hề thích cuộc sống như của họ? Tại sao bạn không dám giao du với những người mà bạn mong muốn có cuộc sống như họ đang có?
Có một câu nói “Hãy cho tôi biết bạn của bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”.


10 bí quyết thành công của người Do Thái

Trước đây chúng ta đã biết, nhiều nhân vật nổi tiếng khai sáng những học thuyết, tôn giáo, khoa học lớn trên thế giới đều là những người mang dòng máu Do Thái như: Chúa Jésu, nhà tiên tri Mohammed, Karl Marx, Alber Einstetn... Nhưng ít người biết rằng, ngày nay thế giới cũng có khá nhiều tỷ phú là người Do Thái. Có một vị học giả đã nói, một ông chủ ngân hàng lớn người Do Thái ở Washington bị "ho hắng”, toàn bộ ngân hàng trên thế giới sẽ bị "cảm cúm" ngay; 5 tập đoàn tài chính lớn của người Do Thái liên hợp lại có thể khống chế toàn bộ thị trường vàng thế giới”. Từ đó có thể thấy sự giàu có của các doanh nhân người Do Thái!
Vì sao những người Do Thái lại có những thành công lớn lao như vậy?
Lý Hạo - một học giả Trung Quốc, đã nghiên cứu và tham khảo ý kiến rộng rãi của nhiều học giả trên thế giới nêu ra 10 bí quyết lớn dẫn tới thành công của người Do Thái.

1. Coi trọng trí tuệ hơn tri thức
Đối với người Do Thái, trí tuệ được đánh giá cao hơn tiền bạc, tài sản. Vì họ luôn phải sống trong những điều kiện khó khăn và trong tình huống hiểm nguy, nên họ nhận ra một điều quan trọng đó là tiền bạc, nhà cửa có thể bỏ lại nhưng cái luôn đi với họ đó là trí tuệ, còn người là còn trí tuệ và trí tuệ mới chính là nguồn gốc để giải quyết khó khăn, đương đầu với nghịch cảnh và vươn lên làm chủ.Trí tuệ không giống với tri thức hay thông tin, trí tuệ theo cách hiểu của họ là những tri thức có khả năng ứng dụng làm thay đổi cuộc sống mang lại ích lợi cụ thể. Họ không coi trọng những tri thức ‘chết’ là những điều sách vở không có tính thực tế. Tuy nhiên, việc hiểu sâu hiểu rộng, thu thập thông tin là nền tảng cho việc hình thành trí tuệ tức là khả năng thông minh ứng phó và biến đổi hoàn cảnh. Họ rất coi trọng học vấn nhưng học vấn vẫn ở địa vị thấp hơn trí tuệ. Họ coi người có học vấn nhưng thiếu trí tuệ là “con lừa cõng nhiều sách vở”.

2. Kiên trì học tập suốt đời
Để nâng cao cả vốn tri thức và trí tuệ, họ xác định học tập là một nhiệm vụ và niềm vui suốt đời. Họ xây dựng thói quen học tập liên tục, thu thập thông tin, phân tích vấn đề, áp dụng tri thức mới thành một lối sống. Về phương pháp học tập, người Do Thái cho rằng:
- Tìm ra tư liệu học tập tốt, không nên mù quáng học tập một cách thụ động.
- Học tập phải có trọng điểm không được dàn đều tinh lực, cần học kỹ thấu đáo những nội dung chính yếu.
- Nhờ bộ não người khác: Cấp trên có thể nhờ cấp dưới đọc hộ những cuốn sách mình muốn đọc nhưng không có thời gian hoặc xét thấy không cần mất nhiều thời gian để tự học. Sau đó yêu cầu họ giới thiệu tóm tắt nội dung chính.
- Phải biết học tập người khác, trao đổi, thảo luận với họ: học tập kinh nghiệm của người khác, học những cái tiến bộ, cái hữu ích.
- Học cách quan sát, tri thức có thể là vật chết, chỉ khi ta dùng nó để quan sát thế giới, phân tích vấn đề, nó mới “sống”. Vì vậy quan sát là một bước đi quan trọng để vận dụng tri thức.

3. Tri thức quý hơn tiền bạc 
Người Do Thái không phủ nhận vai trò của tiền bạc, họ nhận thích những mặt tích cực mà tiền bạc với vai trò là một phương tiện, công cụ sẽ làm cuộc sống của họ thuận lợi hơn, an toàn hơn và cũng giúp họ mở rộng tri thức. Họ coi việc tự lập về tài chính là thước đo quan trọng cho sự trưởng thành và trong nền tảng giáo dục gia đình, cha mẹ luôn khuyến khích con cái yêu lao động, yêu làm việc để tự mình ít nhất là không lệ thuộc, hơn nữa là chủ động cuộc sống và làm chủ vận mệnh của mình. Với họ, tiền bạc có thể bị tước đoạt, tri thức thì không. Nên người Do Thái đề cao tri thức và tinh thần ham hiểu biết đến mức độ coi bản thân nó là mục đích của cuộc đời. Tri thức là một loại tài sản có đặt tính đặc biệt, nó không bị tước đoạt và có thể mang theo bên người, ngoài ra nguồn lợi của nó mang lại cả nguồn lợi hữu hình như tiền của, điều kiện sống mà còn cả cách thức sống và hưởng thụ cuộc sống.

4. Nghịch cảnh - một cơ hội trong đời 
Từ truyền thống lịch sử, dân tộc Do Thái đã phải vượt qua nhiều thử thách từ khi Moise lãnh đạo dân tộc, kỳ thị dân tộc của Đức Quốc Xã, hiện nay đối đầu với nhiều quốc gia Trung Đông, dân tộc Do Thái đã nhận thức rằng nghịch cảnh là một phần tất yếu của cuộc sống và trong nghịch cảnh thì trí tuệ, lòng dũng cảm sẽ được mở rộng và khơi dậy. Chính những nghịch cảnh, những bài toán nan giải làm trồn chân những người ít kiến thức, thiếu bản lĩnh nhưng là cơ hội cho những người sáng tạo, táo bạo. Họ xây dựng một tâm thế tự lực tự cường quyết giành thắng lợi trong mọi nghịch cảnh, cho dù thất bại có lớn đến đâu họ vẫn không nản và giữ được sự lạc quan. Rất nhiều tỉ phủ người Do Thái xuất thân bần hàn, với ý chí tiến thủ và chấp nhận nghịch cảnh họ vượt lên những giá trị, tiêu chuẩn thông thường. Họ nhận thức rằng, những tai ương sẽ hun đức sức chịu đựng phi thường và họ biết cách biến tai ương thành động lực lập nên nghiệp lớn.

5. Quý trọng thời gian hơn tiền bạc
Trong kinh điển của người Do Thái, thời gian là vàng bạc. Họ coi thời gian là một nguồn vốn quan trọng nhất vì thời gian là sinh mệnh và một đi không trở lại. Họ biết rằng, tiền bạc có thể lấy lại được nhưng thời gian thì không, vì vậy họ coi trọng từng giây phút trong cuộc sống là sử dụng thời gian một cách hợp lý và ngăn cản, có thái độ quyết liệt với những thói quen làm tốn thời gian. Những cuộc hẹn không báo trước, làm việc chậm chạp, thiếu khoa học sẽ bị coi là ‘ăn cắp’ vì đã làm mất đi tài sản quý giá hơn vàng. Người Do Thái quý trọng sinh mệnh và ngày nào cũng là ngày cuối cùng trong đời, họ coi cách thức bạn sử dụng thời gian sẽ phản ánh số mệnh của bạn. Họ thể hiện rõ sự kính trọng về thời gian trong phương pháp làm việc, cách thức kinh doanh, tuẩn thu nguyên tắc, giữ gìn chữ tín. Hơn thế nữa họ không chỉ tôn trọng thời gian của mình mà cả thời gian của người khác, tránh đánh cắp thời gian của người khác.
  
6. Tư duy độc lập và chủ động
Người Do Thái không mù quáng phục tùng quyền uy, họ tin mỗi con người đều đặc biệt và duy nhất dưới sự che chở của Chúa, vì vậy mỗi người cần khẳng định bằng năng lực và tự xây dựng cuộc sống. Chính sự khuyến khích tư duy độc lập, không lệ thuộc vào gia thế, truyền thống khiến mỗi thanh niên Do Thái có ý chí tự lập ngay từ nhỏ và có khả năng theo đuổi con đường và ý tưởng của mình. Họ không thể hiện quyền uy bằng sự phô trương, khoe khoang vô ích, nhưng họ cũng biết cách xây dựng hệ thống hỗ trợ, bảo vệ, củng cố khả năng của mình và doanh nghiệp. Chính tư duy độc lập luôn xác định phương hướng, cách tiếp cận mới giúp họ có cái nhìn mới lạ về những hiện tượng, vấn đề xung quanh. Họ có cách tiếp cận độc đáo chính vì vậy có thể vượt qua được nghịch cảnh, phát kiến các vấn đề mới, thực hiện giải pháp khác biệt và đặt mình vào những vị thế có lợi với nguồn lực đầu tư ít.

7. Thỏa mãn bản thân và người xung quanh
Người Do Thái không quá thiên vị bản thân hay cũng không cực đoan là chỉ sống cho những người xung quanh. Họ luôn muốn cùng tồn tại và cùng thắng lợi. Trước hết họ tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình bằng cách lao động, làm việc để đảm bảo sự tồn tại, điều kiện sống tốt nhất, đồng thời họ cũng dành sự quan tâm cho người xung quanh, cộng đồng. Họ đặt trách nhiệm và nghĩa vụ cá nhân trên hết, mọi lỗi lầm, thất bại đều xuất phát từ mỗi cá nhân, vì vậy trước khi nhận xét, đánh giá người khác họ có thái độ khắc phục, sửa chữa những lỗi lầm của bản thân. Họ đặt ra cho mình trách nhiệm cao với công việc nhưng cũng dành thời gian để nghỉ ngơi một cách thực sự, họ không làm việc hoặc gác lại công việc để được thảnh thơi một cách toàn bộ. Cách thức này cũng làm họ được thư giãn, lấy lại năng lượng sau tuần làm việc căng thẳng, bồi dưỡng các mối quan hệ với người thân trong gia đình, tĩnh tâm nhìn lại những gì đã qua.

8. Nghe quan trọng hơn nói
Người Do Thái ghét người lắm lời thêu dệt, đưa ra các thông tin không có thật. Họ khuyến khích nói ít làm nhiều và hạn chế tai họa từ việc nói làm lộ bí mật thông tin trong kinh doanh, hoặc nói không phù hợp sẽ gây mất lòng hoặc hiềm khích không cần thiết. Bên cạnh đó, người Do Thái rất coi trọng thông tin tình báo, họ có khả năng tổ chức và thu thập thông tin rất tốt, từ những thông tin chính xác đúng thời điểm giúp họ chiếm được ưu thế và ra quyết định chính xác. Nghe cũng là một hình thức để thu thập thông tin, nắm bắt vấn đề hoặc tìm hiểu đối tác. Người biết nghe sẽ biết nói.

9. Giữ lập trường khác người
Họ chỉ coi trọng sức mạnh của cá nhân, không cần uy thế danh gia thế tộc. Họ cho rằng, lập trường của cá nhân quan trọng hơn lập trường của gia tộc. Mỗi người có bản sắc riêng, không giống với người khác và một xã hội phủ định cá tính sẽ khó tiến bộ. Người nào tự bóp nghẹt cá tính của mình cũng khó tiến bộ, mỗi người đều cần sáng tạo và thể hiện tính cá nhân, sự độc lập, lập trường, tư tưởng đặc sắc của chính mình. Họ có lập trường khác người nhưng rất đúng đắn, ví dụ người Do Thái rất tôn trọng người phụ nữ, họ coi phụ nữ là một sự thống nhất của gia đình, người đàn ông chỉ khi kết hôn, cưới vợ mới gọi là trưởng thành. Họ thường nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau, biết phân tích đi sâu tìm hiểu vấn đề, nhưng cũng biết tổng hợp nhìn rộng để thấy được mối liên quan và nhiều góc độ khác nhau.

10. Không ngược đãi đồng tiền
Thương nhân Do Thái nổi tiếng thế giới về mặt quý trọng đồng tiền. Họ coi đồng tiền là Thượng đế thứ hai, trên đời này ngoài Thượng đế ra, không còn có cái gì đáng tôn kính và quý trọng hơn phụ nữ. Trong Kinh thánh thứ hai có rất nhiều câu cách ngôn nói về tiền bạc, ví dụ: “Kinh thánh phát ra ánh sáng, tiền bạc phát ra sự yên vui”, “người sống được nhờ trái tim, trái tim sống được nhờ đồng tiền”, “Có tiền mới mua được đồ lễ cúng Chúa”. Như vậy họ rất coi trọng tác dụng tích cực của đồng tiền. Họ không coi đồng tiền là mục đích sống, nhưng là một phương tiện cho cuộc sống tốt hơn. Họ nhận thức một điều việc kiếm tiền bằng sức sáng tạo, bằng trí tuệ, bằng những giải pháp độc đáo khác thường là thể hiện sự thông minh, mưu trí và đây chính là niềm tự hào của họ được chiến thắng và thành công bằng trí lực. Người Do Thái là một dân tộc có nhiều đặc điểm lạ từ lịch sử hình thành đến những giai đoạn họ đã trải qua, việc khó khăn và luôn đối mặt với nghịch cảnh giúp họ có cái hiểu và hình thành nên một phương pháp tư duy – hành động độc đáo. Từ việc coi trọng trí tuệ, học vấn hơn tiền bạc đến thói quen học tập suốt đời và đánh giá cao sự độc lập, lập trường khác biết khiến cho họ không chỉ xây dựng được sự dũng cảm để vượt qua thử thách, sáng tạo trong các hoàn cảnh khó khăn. Họ nhận thức sự quan trọng của thông tin và tri thức để ứng dụng trong kinh doanh, lao động và học tập. Đặc biệt coi thời gian là một nguồn tài sản vô giá và học cách sử dụng nó một cách minh triết để đem lại hạnh phúc, niềm vui, thoả mãn về cả vật chất lẫn tinh thần. Những đức tính trên cũng không chỉ là đặc tính duy nhất của người Do Thái mà là cho tất cả mọi người biết coi trọng chính bản thân, sống một cuộc sống hấp dẫn, khám phá và nhận thức.

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn