4/21/12

"TÔI LÀ AI?!?"

Đây không phải câu hỏi dành cho cá nhân tôi mà dành cho tất cả mọi người trong đó có bạn và tôi.
Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi “Tôi là ai” với chính mình? Bạn thực sự biết mình là ai?
Câu trả lời tôi thường gặp trong các buổi thảo luận là “Tôi là Nguyễn Văn A”. Trên đời này có bao nhiêu Nguyễn Văn A? Nguyễn Văn A thực chất chỉ là ký hiệu do cha mẹ đặt cho con để dễ gọi trong chốn đông người. Nếu gia đình bạn gồm cha, mẹ và bạn chỉ sống biệt lập ở một vùng hẻo lánh, bạn có cần được đặt tên không? Hoặc nếu bạn đi học mà không có tên thì giáo viên và các bạn trong lớp sẽ gọi bạn ra sao, “này bạn” hay “này thằng oắt kia”? Giống như một kiện hàng được đóng trong thùng carton vậy, người ta ghi bên ngoài thùng dòng chữ “Kiện số 1” để đánh dấu phân biệt với những kiện số 2, kiện số 3….
Hoặc câu trả lời khác sau đó là “Tôi là con của cha mẹ tôi”. Cha mẹ bạn có bao nhiêu con và cha mẹ bạn là ai? Là con của ông bà tôi. Ông bà của bạn có bao nhiêu con và ông bà của bạn là ai? Cứ như vậy rốt cuộc bạn cũng không biết mình là ai. Giống như câu chuyện của người Hải quan kiểm hóa và người chủ kiện hàng:
-         Hải quan: Đây là cái gì?
-         Chủ hàng: Dạ, kiện hàng số 1.
-         Hải quan: Thì chữ ghi rõ trên vỏ vậy, không lẽ kiện số 2. Đây là gì?
-         Chủ hàng: Dạ, đây là kiện hàng của em.
-         Hải quan: Ai chả biết của anh, không lẽ là của tôi…
Chủ hàng đâu hiểu rằng Hải quan muốn hỏi bên trong kiện hàng có gì và mục đích để làm gì.
Chúng ta cũng vậy, phần lớn chỉ nhận thức rằng tôi là Nguyễn Văn A, Nguyễn Thị B, là con của cha mẹ tôi mà không biết mình sinh ra đời để làm gì? Mình có những sức mạnh tiềm ẩn nào và cần phải khai thác, vận dụng ra sao để đạt mục tiêu, sứ mệnh cuộc đời?
Đa số người ta bị sinh ra đời và phải tồn tại luẩn quẩn theo dòng đời đó cho đến khi kết thúc một cuộc đời vô nghĩa. Một số ít người họ nhận ra SỨ MỆNH sống của mình và họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự tồn tại để đi tìm con đường của sự sống và họ sống một cuộc đời thật ý nghĩa, tên tuổi để lại ngàn đời. Đó là Hồ Chí Minh, Mahatma Gandhi, Bill Gates, Steve Jobs, Thomas Edison, Dale Carnegie, Napoleon Hill, Robert Kiyosaki, T.Harv Eker, Anthony Robbins… Những người này họ không thông minh hơn người khác, họ không có nền tảng xuất thân hơn người khác, họ không được học nhiều hơn người khác, họ chỉ hơn người khác một khát khao thực hiện mục tiêu, sứ mệnh cuộc đời họ. Mỗi người họ giống như một Thiên sứ giáng trần để giúp đỡ mọi người, sống vì mọi người. Sứ mệnh chung của họ là làm cho thế giới tốt đẹp hơn, làm cho mọi người sống hạnh phúc, giàu có hơn. Và mỗi người họ đều có những mục tiêu riêng cho sự nghiệp và cuộc đời của họ.

Giàu có là ước mơ hay mục tiêu của bạn?
Nếu câu trả lời là ước mơ thì mãi mãi chỉ là mơ ước. Bạn mong muốn giàu có chỉ để hưởng thụ bản thân, thể hiện ‘cái tôi’ cá nhân để lòe thiên hạ. Và sẽ không có ai giúp bạn đạt mục đích này.
Nếu bạn có một khát vọng giàu có để giúp đỡ, dẫn dắt người khác được như mình thì bạn thực sự xứng đáng để giàu có, hạnh phúc. Và thế giới này sẽ luôn ủng hộ, giúp đỡ bạn hoàn tất mục tiêu đó.

“Làm sao bạn có thể đi rất xa được,
Nếu bạn không biết bạn là ai?
Làm sao bạn có thể làm những gì bạn cần làm,
Nếu bạn không biết bạn có những gì?”.
Tôi thích câu chuyện của Benjamin Kubelski. Năm 1902, bố của ông ấy tặng ông ấy một chiếc đàn violin làm quà sinh nhật lần thứ 8, chiếc đàn ấy có giá 50 đô-la – cả một gia tài nho nhỏ vào thời điểm đó, đặc biệt là đối với một gia đình người Nga nhập cư. Benjamin chơi rất hay và khi ở tuổi teen, ông đã được chơi cho các buổi hòa nhạc lớn. Ở tuổi 18, ông kết hợp với một cô gái chơi piano, thành một nhóm nhạc ở Vaudeville.
Nhưng ông cho rằng cây violin vẫn chưa khiến trái tim ông thỏa mãn. Nên một buổi tối, ông quyết định kể cho các khán giả của mình nghe về một tai nạn nho nhỏ đã xảy ra trong ngày. Sau đó ông kể lại: “Khán giả cười ngả nghiêng và âm thanh đó khiến tôi mê mẩn. Tiếng cười đó đã kết thúc sự nghiệp làm nghệ sĩ chơi nhạc của tôi”. Và nó bắt đầu sự nghiệp của ông trở thành một nghệ sĩ hài – Jack Benny.
Benjamin đã tìm ra được mình là ai, và tất cả mọi việc như khớp vào chỗ của chúng.
Hãy chú ý đến những gì có thể khuấy động cảm xúc của bạn. Đôi khi bạn cần tự hỏi mình: “Có điều gì mà mình thích làm đến mức bạn sẵn sàng làm miễn phí, không cần được trả công? Điều gì khiến cho trái tim mình như muốn cất tiếng hát?”.

Mỗi người chỉ có 1 cuộc đời, chỉ được 1 lần sống, không có cơ hội để bạn sống thử.
Vậy bạn là ai? Bạn đang sống trên đời này để làm gì? Bạn sẽ để lại gì sau khi ra đi?


Hoặc bạn tồn tại vô nghĩa hoặc bạn sống vô cùng ý nghĩa.

4/19/12

Học => Làm => Kết quả

Có bao nhiêu người sau khi ra trường vận dụng hết những kiến thức học được vào công việc?
Có bao nhiêu người happy với công việc đúng với ngành nghề mình được học?
Và có bao nhiêu người làm tiến sĩ mà giàu có?
Xin thưa rằng câu trả lời chung là KHÔNG.
Không có ai vận dụng được hết mớ kiến thức nhà trường vào công việc, không có ai sau khi tốt nghiệp làm đúng ngành nghề và trở nên giàu có, không có tiến sĩ nào giàu có mà không biết kinh doanh.
Vậy chúng ta được học cái gì, học như thế nào để rồi ra đời làm theo cách nào và đạt được điều gì?

Suốt 12 năm học phổ thông dài đằng đẵng, chúng ta học được rất nhiều môn, nhiều kiến thức, nào là văn, toán, sử, địa, nào là triết học, sinh học, hóa học… nhưng sau đó cũng chỉ biết cộng trừ nhân chia, biết đọc viết và khá hơn nữa là nói và viết có câu cú, bố cục, chủ ý rõ ràng. Chỉ những người học tiếp chuyên ngành khoa học nào đó thì mới cần những kiến thức căn bản phổ thông như toán, lý, hóa, sinh, sử. địa… Vậy, phải chăng học phổ thông chỉ cần học toán căn bản để biết tính, chính tả để biết đọc, viết và tập làm văn để biết soạn bài, thuyết trình chứ đâu cần học quá nhiều thứ vô nghĩa như vậy? Đến khi học đại học lại tiếp tục mất 4 năm để học nâng cao hơn nữa như các môn toán cao cấp, triết học thế giới, kinh tế vi mô, vĩ mô… và thêm vài môn được gọi là chuyên ngành để ra trường dễ … xin việc.
Đúng là suốt 16 năm học chỉ để nhồi vào đầu thứ tư tưởng ‘cu li’: học cho giỏi để có bằng loại tốt dễ xin việc. Nhưng điều đáng sợ nhất là phần lớn những học sinh – sinh viên họ không học vì yêu thích việc học đó mà vì nỗi sợ, vì người khác. Học cho cha mẹ vui lòng, học để bằng chúng bạn, học vì sợ không có học, sợ giáo viên, sợ thất nghiệp… Thậm chí ngày nay có rất nhiều gia đình muốn thay đổi bằng cách cho con đi dục học rất tốn kém, nhưng không ai biết rằng tất cả cũng chỉ là 'bình mới rượu cũ'. Không có ai học 16 năm trời với mục tiêu để tích lũy kiến thức sau khi ra trường thành lập doanh nghiệp kinh doanh để làm giàu và tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Vậy đó, ngay khi còn đang được đào tạo trên ghế nhà trường, người ta đã hình thành những tư duy đối phó, không mục tiêu, học chỉ để đối phó với người khác, với nỗi sợ và nó tạo nên một tính cách con người.
Sau khi ra trường, đi làm, thái độ làm việc cũng không khác gì cách mà người ta đã học suốt mười mấy năm trời. Làm việc chỉ để có việc làm, có thu nhập hàng tháng và làm những việc vô nghĩa nhiều hơn những việc có ích, có tiền. Bao nhiêu giáo viên dạy con học giỏi, bao nhiêu công chức quản lý con cái tốt, bao nhiêu bác sĩ chăm sóc tốt sức khỏe cho con, bao nhiêu người bán hàng ăn có thời gian ăn cơm cùng gia đình?
Tại sao hầu hết những người thành đạt, giàu có đều là những người học hành dở dang? Không phải họ kém thông minh, mà vì họ nhận ra sự lãng phí thời gian học tập, họ không theo học những chương trình truyền thống mà họ tự tìm cho mình những chương trình học phù hợp với niềm đam mê và phục vụ cho những mục tiêu lớn của họ. Bill Gates hay Steve Jobs bỏ học đại học để dành thời gian tìm hiểu chuyên sâu về công nghệ viễn thông và sau này được mời về thuyết trình tại các buổi lễ tốt nghiệp long trọng. Những người này họ biết họ muốn gì, học để làm gì và học như thế nào nên họ chọn con đường học theo cách của họ, và sau khi học xong họ cũng áp dụng tư duy đó vào chính sự nghiệp của họ.

Còn bạn, bạn học tập và làm việc cho người khác hay cho chính mình, để đối phó với những nỗi sợ hãi hay để đạt mục tiêu giàu có, hạnh phúc?

Con đường thành công

Làm thế nào để đạt mục tiêu dễ nhất?
Làm thế nào để đạt mục tiêu nhanh nhất?

Mỗi người đều có cho mình một mục tiêu, một khát vọng nào đó trong cuộc đời, và ai cũng muốn đạt mục tiêu của mình một cách nhanh nhất, dễ nhất. Nhưng thực tế thì rất ít người có được điều mình mong muốn vì đa số luôn tìm những phương pháp khó khăn nhất để thực hiện, những con đường dài nhất để tiến bước chinh phục mục tiêu.
Hãy thử hình dung xem, giữa bạn và mục tiêu của bạn đang bị ngăn cách bởi một quả núi cao, bạn phải làm sao để đạt mục tiêu đó. Sẽ có nhiều người tự dối lòng rằng tôi sẽ vượt qua ngọn núi đó để đạt mục tiêu của mình. Trên thực tế, mỗi khi gặp trở ngại nào đó, thường người ta sẽ chọn bỏ cuộc hoặc né tránh để tìm cách khác. Với những người bỏ cuộc thì họ đã chọn phương án khó nhất để đạt mục tiêu, đó là không bao giờ đạt mục tiêu, sống đời cam chịu. Những người chọn phương án khác thì sao? Thay vì trèo qua ngọn núi và biết chắc bên kia là mục tiêu của mình thì họ tìm đường vòng dưới chân núi đi cho an toàn. Và rồi họ sẽ đi đến đâu? Hết chân núi thì lại gặp một vực thẳm, vượt qua được không? Tiếp tục tìm đường khác, và hết vực thẳm là đầm cá sấu, dám vượt qua không? Hết đầm cá sấu sẽ là bãi mìn, có đủ gan liều mình không? Và cuối cùng họ cũng gặp được lối đi an toàn, một bãi tha ma, đây cũng là lúc họ đã không còn đủ thời gian và sức lực để tiếp tục cuộc hành trình chinh phục mục tiêu, và chấp nhận yên nghỉ tại đó.
Như vậy đâu là lối đi dễ nhất, nhanh nhất để chinh phục mục tiêu? Ai đủ can đảm để vượt qua ngọn núi mang tên SỢ HÃI kia thì người đó sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu, ước mơ của mình.

Con đường dễ nhất, ngắn nhất luôn là con đường mà người ta tưởng rằng khó nhất.

Bệnh muôn kiếp

Bệnh nào đáng sợ nhất trên thế giới?
Bệnh nào đáng sợ nhất trong cuộc sống của mỗi chúng ta?

AIDS, ung thư đang được coi là những căn bệnh mà ‘bác sĩ bó tay’. Tuy nhiên, ngành y học không ‘bó tay’, họ vẫn đang trong quá trình tìm ra phương thuốc điều trị những căn bệnh thế kỷ này.
Có 5 căn bệnh không chỉ tất cả các ngành khoa học phải ‘bó tay’ mà còn làm thối rữa đạo đức, tha hóa lối sống, kìm hãm phát triển cả một đất nước, một cộng đồng.

1. Bệnh CHẦN CHỪ
Nguyên căn của bệnh này là sự tự ti, sự sợ hãi. Những người mắc bệnh này khi gặp bất cứ vấn đề hay cơ hội nào cũng rất ‘bình thản’. Họ luôn ‘tự hào’ rằng mình ngu dốt và sợ bị thất bại nên phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng và đến khi nào cảm thấy không còn một rủi ro nào nữa mới quyết định hành động. Kết quả là đi ‘rọn rác’ cho những người đi trước.

2. Bệnh LÝ THUYẾT
Nguyên căn của bệnh này cũng xuất phát từ sự sợ hãi cộng với một ‘cái tôi’ quá lớn. Đây là những người đang làm và thích làm thày của người khác. Thay vì chia sẻ cho nhau những trải nghiệm thực tế thì họ dạy cho nhau những thứ mà cả thày và trò sau đó đều không thực hiện, và rồi cứ tiếp tục người này đi dạy người khác nhưng không ai thực hiện. Có bao nhiêu tiến sĩ kinh tế thực sự làm kinh tế? Có bao nhiêu chuyên viên đào tạo sale hàng ngày làm công việc sale? Có bao nhiêu chuyên gia tư vấn làm giàu thực sự giàu?
Sự khác biệt giữa thày giáo và diễn giả là thày giáo chỉ giảng lại những điều mà ông ta học được chứ chưa chắc đã làm được, diễn giả thì chia sẻ những trải nghiệm, bí quyết giúp ông ta có được thành công ngày hôm nay. Vậy nên phải phân biệt rõ những người diễn giả thực hay chỉ là thày giáo tự nhận mình là diễn giả.

3. Bệnh CA THÁN
Đây là bệnh của những người vừa lười vừa bảo thủ. Những người này không bao giờ muốn tìm ra giải pháp để xử lý vấn đề, không bao giờ muốn học hỏi kinh nghiệm thành công của người khác để cải thiện vấn đề mà chỉ biết ngồi trách móc, oán hờn người khác hoặc than thân trách phận. Hành động ca thán này không chỉ làm kết quả mọi việc của người đó tồi tệ hơn mà còn ảnh hưởng tâm lý tiêu cực cho người xung quanh. Và khi bị đào thải thì họ lại tiếp tục than vãn sự đời. Vòng quay ca thán không bao giờ có hồi kết.

4. Bệnh TỰ KIÊU
Có câu ví von rất phù hợp cho những người này “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng”. Những người này đúng là những con ếch ngồi đáy giếng. Mới học được vài điều gì đó có vẻ cao siêu, mới đạt được vài thành tựu nho nhỏ những đã tưởng mình là ‘siêu sao’, không coi người khác ra gì, tự đóng cửa kiến thức, không cập nhập thêm những nguồn kiến thức khác. Sỉ nhục thay, hầu hết những người này đang phải nai lưng đi làm thuê cho người khác để kiếm miếng ăn hàng ngày.

5. Bệnh THAM LAM
Bệnh này cũng có quan hệ họ hàng với bệnh chần chừ. Đây là những người vô cùng ích kỷ, luôn chỉ nghĩ đến việc ‘nhận’ chứ không bao giờ có khái niệm ‘cho’. Những người này luôn chỉ thích ngồi im chờ đợi cái gì đó thật tốt đẹp đến với mình mà không phải bỏ ra thứ gì. Và đúng với từ “chờ sung rụng”, họ không bao giờ có được điều mình mong muốn vì họ không chịu hiểu khái niệm “tiền nào của nấy”.

Đừng tự hào mình nghèo mà vẫn giỏi, hãy tự hỏi mình giỏi sao vẫn nghèo?!

4/2/12

Tục ngữ hết thời

Tục ngữ là những câu nói ngắn đúc kết kinh nghiệm sống của người xưa. Tuy nhiên, giá trị của nó không phải là vĩnh cửu. Dưới đây là một số câu tục ngữ không còn đúng và chưa bao giờ đúng.
1. "Con vua rồi lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa"
Câu tục ngữ này muốn nói đến quan điểm kế nghiệp. Nhưng nếu thực tế đúng như vậy thì làm sao có những cuộc soán ngôi, đổi triều, làm sao có cách mạng, có phát triển.
2. "Ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời"
Câu tục ngữ này thì ngược ý với câu trên, có quan điểm tích cực hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình giàu truyền kiếp và gia đình nghèo truyền kiếp. Vấn đề nằm ở phương pháp giáo dục thế hệ sau.
3. "An cư lạc nghiệp"
Câu này có thể đúng phần nào với thời kỳ hoang sơ vì con người cần phải có chỗ che mưa, che nắng trước rồi mới có tinh thần làm việc tốt. Nhưng thời đại này người ta có thể ở nhà thuê để dành tiền kinh doanh làm giàu. Nếu dồn hết tiền vào căn nhà thì sẽ phải sống kiếp lao động suốt đời.
4. "Phước bất trùng lai họa vô đơn chí"
Câu tục ngữ này bày tỏ quan điểm của người nghèo. Lâu lâu mới gặp may một lần nhưng khi gặp rủi ro thì liên tục. Những người hiểu về khoa học tiềm thức sẽ biết rằng may hay rủi đều do con người tự thu hút nó. Tại sao những người giàu có luôn gặp may còn người nghèo thì ngược lại?
5. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"
Đây là động lực để rất nhiều người khi có tiền lập tức lo thanh toán các hóa đơn, trả các khoản nợ mặc dù chưa đến hạn chót. Kết quả sau đó là hết tiền lại phải tiếp tục vòng quay nợ nần. Nhưng khi cơ hội đầu tư kinh doanh đến thì họ lại chờ đợi cho đến khi nào thật an toàn mới chi tiền và kết quả là không được gì hoặc mất tiền. Đồng tiền chỉ "khôn" khi biết cách đi đúng.
6. "Con nhà lính tính nhà quan"
Câu này chỉ những người sinh ra trong gia đình nghèo khó nhưng có phong cách sống của người khá giả. Đây là một đức tính rất tốt, tạo động lực để người ta vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, những người nghèo họ không nhận thấy điều đó là tốt vì họ "thích" được nghèo.
7. "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"
Tại sao không phải là "Gần mực thì mực sáng, gần đèn thì đèn rạng hơn"? Bao nhiêu tấm gương "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" đó thôi. Cũng bao nhiêu tiểu thư, quý tử lại lao vào nghiệt hút, cờ bạc... thì sao?
8. "Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe mẹ trăm đường con hư"
Cũng có nhiều trường hợp thì đúng, nhưng cũng có nhiều trường hợp vì con quá nghe theo cha mẹ mà không thể thoát khỏi kiếp sống khổ cực của cha mẹ truyền lại. Đôi khi có những đứa con trở nên hư hỏng không phải do không nghe lời cha mẹ mà vì chúng muốn tìm cách thay đổi số phận nghèo khổ.
9. "Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già"
Hãy thử nhìn cuộc sống hiện tại xem, những người giàu có phần lớn là trẻ hay già, những người mắc bệnh hiểm nghèo phần lớn là trẻ hay già? Với xã hội 'công nghệ' như hiện nay thì kinh nghiệm sống không còn tỉ lệ thuận với số năm sống, những người trẻ tuổi có thể kết hợp được kinh nghiệm sống hàng nghìn năm của các bậc tiền bối chỉ bằng một bàn phím và sau đó phát triển cao hơn. Nhưng cũng vì lối sống lười biếng mà sức khỏe đang là nỗi nhức nhối của giới thanh niên hiện tại, bệnh do thiếu vận động, do nhiễm hóa chất... thường rất ít gặp ở những thế hệ trước.
10. "Nhìn mặt mà bắt hình dong"
Với công nghệ phẫu thuật như hiện nay thì đến thày tướng số cũng phải thất nghiệp huống chi người thường. Con người thời nay được ngụy trang không chỉ bằng 'dao kéo' mà còn bằng nhung lụa và rất nhiều công nghệ hiện đại khác khiến cho người ta không thể nhận biết thật giả chỉ qua giao tiếp cơ bản.

Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi đó là sự thay đổi.

Phương pháp nuôi dạy con thành ... 'đồ bỏ'

Cha mẹ nào cũng yêu thương con, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con để con được nên người. Thế nhưng, rất nhiều cha mẹ chỉ vì thiếu kiến thức cộng với 'cái tôi' quá lớn trong cách nuôi dạy con mà vô tình khiến đứa trẻ trở thành người 'vô tích sự'.
Dưới đây là một vài sai lầm nghiêm trọng trong quá trình nuôi dạy con.
1. Chỉ ăn uống đồ ăn được trồng trọt, chế biến tại nhà
Phương pháp này rất hay gặp ở những gia đình trung lưu. Tưởng như sẽ làm cho đứa bé khỏe mạnh, tránh được bệnh tật nhưng thực chất là làm giảm sức đề kháng của đứa trẻ một cách trầm trọng. Đứa trẻ không thể được bảo bọc suốt đời trong nhà, nên việc hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ làm đứa trẻ sau này rất khó sống khi ra ngoài xã hội.
Phương pháp tốt nhất để giữ gìn sức khỏe và tăng đề kháng cho con trẻ là ăn uống đa dạng, đủ chất và vệ sinh theo các tiêu chuẩn được công bố.
2. Ủ ấm quá kỹ
Một sự cẩn thận thái quá khác của các bậc phụ huynh. Mỗi khi trẻ ra khỏi nhà là phải 'cuốn' chặt hơn cả bánh trưng. Đây cũng là một kiểu cách ly xã hội rất nguy hại cho sức khỏe của trẻ. Những đứa trẻ bị bảo bọc một cách thiếu khoa học như vậy sức đề kháng rất kém, thường xuyên bệnh tật mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc bị dính mưa, gió hay nắng ngoài trời.
Muốn trẻ không trở thánh 'búp bê trong lồng kính' các phụ huynh cần phải cho bé hòa nhập với môi trường sống và tránh những nơi ô nhiễm, độc hại.
3. Lạm dụng dầu gió, thuốc kháng sinh, thuốc cổ truyền
Dầu gió chỉ có tác dụng lớn nhất là giữ ấm cho người bị cảm lạnh. Tuy nhiên, phần lớn những người sử dụng dầu gió chỉ theo một thói quen vô thức, bất cứ việc gì cũng lạm dụng dầu gió. Dầu gió làm nóng da, nóng tĩnh mạch, dãn lỗ chân lông, vậy mà khi trúng gió hay khi bị muỗi đốt người ta lại bôi dầu gió!?!
Tương tự, thuốc kháng sinh hay các loại thuốc cổ truyền như thuốc bắc, thuốc nam, đông y dược... đều là những loại thuốc đặc trị phải được sử dụng theo đúng chỉ dẫn của người có chuyên môn y học. Tuy nhiên, vì lối sống cẩu thả nên rất nhiều người tự cho mình quyền làm bác sĩ để bốc thuốc cho trẻ theo kinh nghiệm bản thân hoặc lời khuyên của những người khác và rất nhiều hậu quả sau đó đã xảy ra.
Muốn trẻ có một sức đề kháng tự nhiên, giúp trẻ tập luyện sức khỏe mỗi ngày ngoài trời, ăn uống đúng và hạn chế tối đa sự hỗ trợ của các loại thuốc.
4. Bổ dưỡng đêm
Rất nhiều cha mẹ có con nhỏ thường dựng con dậy nửa đêm để ăn uống bổ dưỡng cho tăng ký. Đây là một thói quen ấu trĩ. Trước hết, người lớn sẽ rất mệt mỏi khi phải thức dậy nửa đêm và đứa trẻ cũng không có hứng thú gì khi ăn uống trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu. Hậu quả tiếp theo là làm cho đứa trẻ béo phì và luôn trong tình trạng đờ đẫn do thiếu ngủ.
Vậy tại sao không bỗi dưỡng đủ chất cho trẻ ngay trong ngày để cả trẻ và người lớn cùng có giấc ngủ ngon?
5. Tiền tiêu vặt quá nhiều
Mỗi đứa trẻ khi đi học phổ thông chỉ cần mang ít tiền lẻ để uống nước mía hay phòng khi cần gọi điện về. Tuy nhiên, nhiều gia đình quá nuông chiều con bằng cách mỗi ngày đi học được mang theo rất nhiều tiền để tiêu xài. Việc này tạo cho đứa trẻ thói quen tiêu xài hoang phí ngay từ nhỏ, không biết trân trọng đồng tiền và thậm chí dùng tiền vào những mục đích có hại như game, cờ bạc, thuốc...
Tại sao không giáo dục đứa trẻ bằng cách cho chúng sở hữu những đồng tiền được cha mẹ trả thưởng cho những nhiệm vụ chúng hoàn thành?
6. Trang sức, điện thoại, xe máy đắt tiền
Trang sức để tô thêm vẻ đẹp, điện thoại để tiện liên lạc, xe máy để tiện lưu thông. Tuy nhiên, nhiều 'cô chiêu cậu ấm' được cha mẹ trang bị một cách thừa mứa đến mức thay vì đến trường đi học thì chúng đến trường để trình diễn thời trang, để tụ tập ăn chơi, khoe của.
Chỉ nên trang bị cho con cái những thứ cần thiết cho việc học tập và phát triển trí tuệ thay vì chiều theo sở thích đua đòi.
7. Học sau khi tan học
Có nhiều đứa trẻ coi học là một nỗi khiếp sợ thực sự. Cả ngày trên lớp học rất mệt mỏi, căng thẳng, vừa về nhà lại bị cha mẹ bắt học tiếp. Thử hỏi nếu người lớn sau một ngày làm việc mệt mỏi về nhà lại phải làm việc tiếp sẽ thế nào?
Hãy cho trẻ những giây phút thư giãn thực sự sau khi tan học về bằng cách chơi với bạn bè trong xóm, chơi trong các khu vui chơi, xem các bộ phim yêu thích... Sau bữa tối, nghỉ ngơi xong sẽ ôn lại bài và chuẩn bị cho ngày hôm sau.
8. Dạy học trong không khí ép buộc
Có rất nhiều cha mẹ ngồi kèm con học bài bằng những lời quát mắng và cây roi trong tay. Đứa trẻ vừa học bài mà vừa phải để tâm đến cây roi thì liệu có học nổi không? Và vòng luẩn quẩn Cây roi - Học không tập trung - Cây roi cứ mãi mãi tiếp diễn.
Thay vì cố ép, hãy khích lệ, tận tình và nhẹ nhàng hướng dẫn đứa trẻ học bài trong không khí vui vẻ, đầm ấm thì chắc chắn kết quả học tập sẽ rất cao.
9. Cấm
Khi không có giải pháp nào cho vấn đề thì những người ngu dốt thường dùng phương pháp Cấm. Nhưng sau đó họ không hiểu vì sao càng cấm thì mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn, và trong giáo dục con trẻ cũng vậy. Chỉ những người hiểu và tin vào khoa học tiềm thức mới biết câu trả lời. Khi ra lệnh cấm một điều gì đó có nghĩa là đang hướng đứa trẻ tập trung và tò mò về điều đó, và đứa trẻ dù không dám nhưng vẫn phạm điều cấm một cách vô thức.
Hãy tìm hiểu về khoa học tiềm thức và khuyến khích trẻ những việc nên làm thay vì đưa ra các lệnh cấm.
10. Hỏi không đúng cách
Có những cách hỏi tạo cho trẻ thói quen buộc phải  nói dối thay vì nói thật. Ví dụ, khi trẻ đi học về trễ, cha mẹ thường hỏi "tại sao hôm nay về trễ?", và sau đó là một loạt lý do không chính xác mà trẻ đưa ra.
Thay vì hỏi kiểu cấp trên, hãy hỏi trẻ theo kiểu bạn bè "Hôm nay con phải học nhiều nên về trễ phải không?",  lúc đó cha mẹ sẽ nhận được câu trả lời thật của trẻ.
11. Khước từ trả lời
Thắc mắc và đặt câu hỏi liên tục là một bản năng thiên phú tuyệt vời của trẻ em, ngay cả người lớn cũng cần phải học hỏi và rèn luyện lại bản năng này. Thế nhưng, rất nhiều phụ huynh vì cái tôi ích kỷ mà vùi dập đi bản năng này của đứa trẻ. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều cha mẹ khi nghe con hỏi liên tục bèn nổi nóng và quát “hỏi gì mà hỏi suốt, bảo sao thì làm vậy đi!”. Những đứa trẻ như vậy lớn lên sẽ ra sao? Một kiếp culi cù lần chỉ biết câm lặng tuân thủ những gì được sai bảo.
Trẻ em cần phải luôn được phát triển trí tuệ thông qua những câu hỏi thắc mắc và những câu trả lời ‘có định hướng’ của cha mẹ. Cách trả lời quan trọng hơn câu trả lời.
12. Không được tiếp xúc tiền
Nhiều cha mẹ quan niệm trẻ không được tiếp xúc với tiền khi còn nhỏ, thậm chí có nhiều đứa trẻ học cấp 2 vẫn không biết dùng tiền. Đây là cách mà người ta áp dụng với nô lệ thời xưa, làm cho con người bị 'ngố', không có khả năng kiểm soát cuộc sống của mình và phải nương tựa vào sự sai bảo của người khác.
Tiền chính là phương thức lưu thông và đo lường giá trị cuộc sống hiện tại, hãy cho trẻ hiểu giá trị đồng tiền ngay từ nhỏ để trẻ có những nhận thức tích cực về tiền và suy nghĩ làm cách nào để có nhiều tiền và sử dụng tiền sao cho hiệu quả.
13. Hù dọa
Có nhiều cha mẹ 'bất lực' trong việc dạy con nên thường đem những biểu tượng ghê sợ như ma, quỷ... để hù dọa mỗi khi con không nghe lời. Thậm chí có những người lấy công an hay bác sĩ để làm công cụ hù dọa trẻ nhỏ. Và tất cả những biểu tượng đó sẽ trở thành nỗi ám ảnh suốt đời với đứa trẻ mà cha mẹ không bao giờ nghĩ tới.
Cần hướng đứa bé đến những trò vui, phần thưởng đạt được thay vì biến đứa trẻ thành con người yếu đuối, sợ hãi.
14. Ích kỷ
Khi con có đồ chơi đẹp, đắt tiền nhiều cha mẹ dặn dò con chỉ được chơi một mình, không cho bạn khác chơi. Như vậy, đứa trẻ sẽ hình thành thói quen ích kỷ, không bao giờ chia sẻ đồ của mình với người khác và dần đưa mình vào lối sống cô lập, tự kỷ.
Hãy dạy trẻ cách yêu thương, giúp đỡ và chia sẻ với người khác để cũng được mọi người yêu thương và giúp đỡ.
15. Trả đũa
Trẻ nhỏ đi học hoặc đi chơi có thể có những va chạm với nhau. Tuy nhiên, có nhiều cha mẹ nông cạn sau đó xúi giục con cái phải có những hành động trả đũa lại những gì bạn đã làm với mình. Kết quả trước mắt là trẻ mất bạn, thậm chí có thể làm nguy hại cho bạn, lâu dài là biến đứa trẻ thành người rất nhỏ mọn, hiếu thắng.
Cần tập cho trẻ tính vị tha, lòng yêu thương và hòa đồng với mọi người.
16. Đánh
Rất nhiều phụ huynh đánh con như một thói quen. Đánh mọi nơi, mọi lúc, mọi lỗi và là cách duy nhất để dạy con.
Mới sáng dậy đã đánh con. Thử hỏi mới sáng dậy người lớn gặp chuyện bực mình thì cả ngày đó sẽ ra sao? Đứa trẻ cũng vậy, mới đầu ngày đã bị ăn đòn thì cả ngày đó sẽ không còn hứng thú tiếp thu bài học và kết quả là...
Khi đứa trẻ bị đau do bị ngã hoặc do bị bạn đánh trong khi chơi, thay vì vỗ về đứa trẻ thì nhiều phụ huynh còn đánh thêm cho bõ cơn tức của mình. Như vậy thì thương con ở chỗ nào? hay chỉ vì giải quyết cảm xúc cá nhân mà bất chấp sự đau đớn của đứa trẻ.
Có nhiều cha mẹ còn kinh khủng hơn, tay đánh mà miệng hét "không được khóc". Phải chăng họ đang rèn luyện con họ thành sát thủ máu lạnh?
Là những người cha, người mẹ - những người LỚN, hãy biết kiềm chế cảm xúc cá nhân mỗi khi thấy đứa trẻ mắc lỗi để có cách giáo dục con cái nên người thay vì biến chúng thành 'cục đất'.
17. Giận cá chém thớt
Mỗi khi 'có chuyện' với nhau, rất nhiều phụ huynh thường lấy trẻ nhỏ làm 'bia xả đạn' cho những cơn bực tức cá nhân. Ví dụ, khi người cha hẹn 7 giờ tối về chở cả nhà đi ăn, nhưng vì lý do nào đó mà 7h30 vẫn chưa về tới, người mẹ bực tức quay ra nói với con "cha mày hứa hẹn như vậy đó". Đứa trẻ sẽ nghĩ gì về cha mẹ chúng - những người chẳng ra gì?
Sao không 'đóng cửa bảo nhau' mà lại phải tạo cho đứa trẻ những suy nghĩ tiêu cực về người lớn, làm cho chúng bị hụt hẫng vì mất niềm tin, niềm kiêu hãnh với người lớn?

Nuôi con là một quá trình, giáo dục con là một nghệ thuật.

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn