4/2/12

Tục ngữ hết thời

Tục ngữ là những câu nói ngắn đúc kết kinh nghiệm sống của người xưa. Tuy nhiên, giá trị của nó không phải là vĩnh cửu. Dưới đây là một số câu tục ngữ không còn đúng và chưa bao giờ đúng.
1. "Con vua rồi lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa"
Câu tục ngữ này muốn nói đến quan điểm kế nghiệp. Nhưng nếu thực tế đúng như vậy thì làm sao có những cuộc soán ngôi, đổi triều, làm sao có cách mạng, có phát triển.
2. "Ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời"
Câu tục ngữ này thì ngược ý với câu trên, có quan điểm tích cực hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình giàu truyền kiếp và gia đình nghèo truyền kiếp. Vấn đề nằm ở phương pháp giáo dục thế hệ sau.
3. "An cư lạc nghiệp"
Câu này có thể đúng phần nào với thời kỳ hoang sơ vì con người cần phải có chỗ che mưa, che nắng trước rồi mới có tinh thần làm việc tốt. Nhưng thời đại này người ta có thể ở nhà thuê để dành tiền kinh doanh làm giàu. Nếu dồn hết tiền vào căn nhà thì sẽ phải sống kiếp lao động suốt đời.
4. "Phước bất trùng lai họa vô đơn chí"
Câu tục ngữ này bày tỏ quan điểm của người nghèo. Lâu lâu mới gặp may một lần nhưng khi gặp rủi ro thì liên tục. Những người hiểu về khoa học tiềm thức sẽ biết rằng may hay rủi đều do con người tự thu hút nó. Tại sao những người giàu có luôn gặp may còn người nghèo thì ngược lại?
5. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"
Đây là động lực để rất nhiều người khi có tiền lập tức lo thanh toán các hóa đơn, trả các khoản nợ mặc dù chưa đến hạn chót. Kết quả sau đó là hết tiền lại phải tiếp tục vòng quay nợ nần. Nhưng khi cơ hội đầu tư kinh doanh đến thì họ lại chờ đợi cho đến khi nào thật an toàn mới chi tiền và kết quả là không được gì hoặc mất tiền. Đồng tiền chỉ "khôn" khi biết cách đi đúng.
6. "Con nhà lính tính nhà quan"
Câu này chỉ những người sinh ra trong gia đình nghèo khó nhưng có phong cách sống của người khá giả. Đây là một đức tính rất tốt, tạo động lực để người ta vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, những người nghèo họ không nhận thấy điều đó là tốt vì họ "thích" được nghèo.
7. "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"
Tại sao không phải là "Gần mực thì mực sáng, gần đèn thì đèn rạng hơn"? Bao nhiêu tấm gương "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" đó thôi. Cũng bao nhiêu tiểu thư, quý tử lại lao vào nghiệt hút, cờ bạc... thì sao?
8. "Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe mẹ trăm đường con hư"
Cũng có nhiều trường hợp thì đúng, nhưng cũng có nhiều trường hợp vì con quá nghe theo cha mẹ mà không thể thoát khỏi kiếp sống khổ cực của cha mẹ truyền lại. Đôi khi có những đứa con trở nên hư hỏng không phải do không nghe lời cha mẹ mà vì chúng muốn tìm cách thay đổi số phận nghèo khổ.
9. "Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già"
Hãy thử nhìn cuộc sống hiện tại xem, những người giàu có phần lớn là trẻ hay già, những người mắc bệnh hiểm nghèo phần lớn là trẻ hay già? Với xã hội 'công nghệ' như hiện nay thì kinh nghiệm sống không còn tỉ lệ thuận với số năm sống, những người trẻ tuổi có thể kết hợp được kinh nghiệm sống hàng nghìn năm của các bậc tiền bối chỉ bằng một bàn phím và sau đó phát triển cao hơn. Nhưng cũng vì lối sống lười biếng mà sức khỏe đang là nỗi nhức nhối của giới thanh niên hiện tại, bệnh do thiếu vận động, do nhiễm hóa chất... thường rất ít gặp ở những thế hệ trước.
10. "Nhìn mặt mà bắt hình dong"
Với công nghệ phẫu thuật như hiện nay thì đến thày tướng số cũng phải thất nghiệp huống chi người thường. Con người thời nay được ngụy trang không chỉ bằng 'dao kéo' mà còn bằng nhung lụa và rất nhiều công nghệ hiện đại khác khiến cho người ta không thể nhận biết thật giả chỉ qua giao tiếp cơ bản.

Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi đó là sự thay đổi.

No comments:

Post a Comment

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn