12/21/11

5 lý do nghèo


Có 5 lý do cốt yếu giải thích tại sao nhiều người hiểu biết về tài chính nhưng vẫn không thể phát triển được những dòng tài sản có thể tạo ra một lượng vòng quay tiền mặt lớn, những dòng tài sản có thể cho phép họ sống cuộc sống an nhàn thay vì phải làm việc toàn thời gian chỉ để “đủ sống”. Đó là:

1. Sự lo sợ
Tôi chưa bao giờ gặp ai thực sự muốn bị mất tiền cả. Và suốt đời tôi cũng không gặp được người giàu nào mà chưa từng bị mất tiền. Nhưng tôi đã gặp rất nhiều người nghèo không bao giờ để mất một xu nào... Đó chính là đầu tư.
Nỗi lo bị mất tiền là rất thực tế. Mọi người đều lo, ngay cả những người giàu. Nhưng nỗi lo đó không phải là vấn đề. Vấn đề là bạn xử lý nỗi lo đó như thế nào, xử lý việc mất mát như thế nào, xử lý các sai lầm như thế nào… đó mới chính là điều làm nên sự khác biệt trong cuộc sống mỗi người. Điều này đúng với mọi thứ chứ không chỉ riêng tiền bạc. Khác biệt chủ yếu giữa người giàu và người nghèo chính là cách họ điều khiển nỗi sợ đó.
Người cha giàu rất hiểu nỗi ám ảnh về tiền bạc. Ông nói: “Một số người rất sợ rắn. Một số khác rất sợ bị mất tiền. Cả hai đều là những kiểu ám ảnh”. Vì vậy, giải pháp của ông với nỗi ám ảnh bị mất tiền là: "Nếu anh ghét mạo hiểm và lo lắng, hãy bắt đầu mọi việc ngay từ sớm”.

2. Sự hoài nghi
Tất cả chúng ta đều có những mối nghi ngờ, đại loại như: “Tôi không khôn ngoan”, “Tôi không đủ khả năng”, “Có rất nhiều người tài giỏi hơn tôi”. Và những mối nghi ngờ này làm tê liệt chúng ta. Hoặc chúng ta luôn tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế bị khủng hoảng ngay sau khi tôi bỏ tiền đầu tư?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không làm chủ được và không thể lấy tiền lại?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ không theo kế hoạch?”… Hoặc chúng ta có những người bạn hay những người ta yêu mến luôn nhắc nhở chúng ta về những thiếu sót của chúng ta bất kể chúng ta hỏi họ chuyện gì. Họ thường nói: “Sao anh lại nghĩ rằng anh có thể làm được điều đó chứ?”, “Nếu đó là một ý tưởng hay thì tại sao không ai chịu làm?”, “Điều đó không bao giờ thực hiện được. Anh không biết anh đang nói gì cả”,... Những lời lẽ đầy nghi hoặc này thường nhiệt tình đến mức chúng ta không thể bắt tay hành động được nữa. Trong lòng chúng ta có một cảm giác khủng khiếp, đến độ chúng ta không tiến được lên phía trước. Vì vậy mà ta đứng lại với những gì an toàn và để cơ hội vuột qua. Chúng ta nhìn đời trôi đi khi chúng ta ngồi im bất động với một khối u nhạt nhẽo trong cơ thể. Tất cả chúng ta đều cảm thấy điều này vào một lúc nào đó trong cuộc sống, một số người thường xuyên hơn những người khác...

3. Sự lười biếng
Người bận rộn thường là những người lười biếng nhất. Ta đã nghe nhiều những câu chuyện về một nhà kinh doanh phải làm việc vất vả để kiếm tiền và chu cấp đầy đủ cho vợ con. Ông ngồi lì trong văn phòng nhiều giờ liền và đem việc ở công ty về nhà làm cả những ngày cuối tuần. Một ngày kia, ông trở về và phải đối mặt với một ngôi nhà trống. Vợ con ông đã bỏ đi. Ông biết giữa hai vợ chồng đang có rắc rối, nhưng ông vẫn thích làm việc hơn là củng cố lại mối quan hệ, vì vậy mà ông để mặc và tiếp tục lao vào công việc. Mất hết tinh thần, công việc của ông trượt dài và cuối cùng thì ông mất việc.
Ngày nay, tôi thường gặp nhiều người rất bận bịu với tài sản của họ. Và cũng có những người rất bận bịu lo lắng cho sức khỏe của họ. Đều cùng một lý do cả. Họ bận rộn, và họ xem việc bận rộn là một cách để né tránh cái gì đó mà họ không muốn phải đối mặt. Không ai biết điều đó. Nhưng từ sâu thẳm trong tâm hồn, họ biết. Thực sự, nếu bạn nhắc nhở họ thì họ thường trả lời bằng cách nổi giận hay cáu kỉnh.
Nếu họ không bận làm việc hay bận rộn với những đứa trẻ, họ thường bận xem truyền hình, câu cá, chơi gôn hay đi mua sắm. Tuy nhiên! sâu trong tâm hồn, họ biết rằng họ đang né tránh một điều quan trọng. Đó là dạng lười biếng thông thường nhất. Lười biếng bằng cách giữ cho mình bận bịu.

4. Những thói quen xấu
- Thiển cận: Có một thực tế rằng, người nghèo luôn chỉ đi tìm kiếm và nhận được những món lợi rất nhỏ trước mắt, và họ để dành những món lợi lớn cho những người giàu tìm kiếm. Đơn giản là vì những người nghèo họ không đủ kiên nhẫn và lòng tin để chờ đợi những món lợi lớn mà họ cho rằng mơ hồ. Người giàu thì ngược lại, họ không bao giờ mất thời gian quý báu của họ cho những món lợi nhỏ mà ai cũng tranh giành, họ tập trung cho những mục tiêu lớn. Sự khác biệt này được biểu hiện rõ nhất qua mục đích sống. Người nghèo họ không có mục tiêu, kế hoạch nào cho cuộc sống, đối với họ sống được ngày nào tốt ngày đấy. Người giàu thì luôn luôn có những mục tiêu, kế hoạch rất rõ ràng cho cuộc đời họ, ngay cả khi bị phá sản họ vẫn kiên định mục tiêu đó.
- Tham lam: Người nghèo luôn chỉ muốn nhận không của người khác. Họ bỏ ra hàng giờ mỗi ngày để săn tìm những đồ khuyến mãi thay vì tập trung nâng cao thu nhập, họ bỏ ra hàng đống tiền để mua vé số mong trở thành tỉ phú một cách nhanh nhất. Người giàu thì luôn tập trung thời gian và tiền bạc của họ cho việc kiếm tiền, nâng cao thu nhập. Họ sẵn sàng chi rất lớn để đầu tư cho những lợi ích dài hạn.
- Hoang phí: Người nghèo thường tiêu tiền nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Những chuyến shopping quá đà, những cuộc ăn nhậu quá chén, thói quen “đốt tiền” qua thuốc lá... được biện minh bằng 2 từ “tiêu sầu”. Hơn thế nữa họ còn sẵn lòng “cúng tiền” cho những trò mê tín như bói toán, đốt vàng mã… Người giàu họ chỉ mua những gì họ đang cần và tiêu tiền vào những gì mang lại tiền cho họ.
- Bỏ tiền ống heo: Người nghèo có thói quen tiết kiệm bằng cách bỏ ống heo. Đây chính là cách “sát hại tiền” hữu hiệu. Vì đến khi họ mở ống heo thì số tiền đó đã không còn giá trị như trước, thậm chí mục, rách, không tiêu được. Lý do tiết kiệm như vậy là để dành cho ngày khó khăn, và nguyện vọng của họ luôn được thỏa mãn cùng những ngày khó khăn sau đó. Người giàu họ tiết kiệm bằng cách đầu tư vào tri thức thông qua học tập, vào sức khỏe thông qua giải trí, bảo hiểm và vào những hoạt động sinh lời, hay chí ít cũng là gửi ngân hàng.

5. Tính kiêu ngạo
Sự kiêu ngạo là một cái tôi quá lớn cộng với sự thiếu hiểu biết. Người cha giàu thường bảo tôi: “Những gì cha biết giúp cha kiếm tiền, những gì cha không biết làm cho cha mất tiền. Mỗi lần kiêu ngạo cha lại bị mất tiền vì khi tỏ ra kiêu ngạo, cha thực sự tin rằng những gì mình không biết là không hề quan trọng”.
Tôi thấy có nhiều người dùng sự kiêu ngạo như một tấm bình phong để cố che giấu sự thiếu hiểu biết của mình. Điều này thường xảy ra khi tôi thảo luận các vấn đề tài chính với những kế toán viên hay thậm chí là những nhà đầu tư khác.
Họ cố thổi phồng bản thân họ qua cuộc thảo luận. Với tôi thì rõ ràng là họ không biết mình đang nói gì cả. Tôi không muốn nói là họ nói dối, nhưng thật sự là họ không nói thực.
Nhiều người trong thế giới tài chính và đầu tư hoàn toàn không có khái niệm gì về những điều họ đang nói. Hầu hết mọi người trong ngành công nghiệp tiền bạc này chỉ phun ra những lời rao hàng như những người bán xe hơi cũ vậy. 
Khi bạn biết rằng mình không hiểu biết về một lĩnh vực nào đó, hãy bắt đầu tự giáo dục chính mình bằng cách tìm một chuyên gia hay tìm đọc một cuốn sách nói về lĩnh vực ấy.


Đừng tự hào mình nghèo mà vẫn giỏi, hãy tự hỏi mình giỏi sao vẫn nghèo?!

No comments:

Post a Comment

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn