12/15/11

Nô lệ và chủ nhân


Có 2 ông chủ quyền lực nhất thế giới nhưng lại không mấy người biết tới: Tiền và Cảm xúc.
Hầu hết mọi người đều là nô lệ của 2 ông chủ này nhưng không tự nhận ra điều đó.

Tiền
Các câu hỏi như “Bạn làm việc để làm gì?”, “Vì sao bạn thay đổi công việc?”, “Tại sao bạn phải làm thêm giờ?”… hầu hết đều có chung câu trả lời “Vì tiền”.
Dĩ nhiên là như vậy. Có mấy ai muốn làm việc không công, có ai mà không thích nhiều tiền. Nhưng kiếm tiền để làm gì, nhiều bao nhiêu thì đủ? Không mấy người trả lời được.
Có người biện minh rằng kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Vậy tại sao họ càng kiếm được nhiều tiền gia đình họ càng có nguy cơ đổ vỡ? Vì họ không hiểu mong muốn của chính gia đình họ.
Có người thì cho rằng kiếm nhiều tiền để cuộc sống sung sướng hơn. Nhưng đến khi có tiền rồi họ chỉ biết ngồi mệt mỏi nhìn đồng tiền mà thở dài cho thân phận mình.
Như vậy, rõ ràng chúng ta bị cuốn theo bước chạy của đồng tiền, làm nô lệ vô điều kiện cho đồng tiền.
Tiền là quan trọng, thậm chí vô cùng quan trọng, nhưng nó không phải tất cả. Tiền chỉ là công cụ để chúng ta đạt được mục đích sống.
Vấn đề ở chỗ chúng ta có xác định được mục đích sống và từ đó biết cách sử dụng đồng tiền hay không.
Hoặc chúng ta làm chủ đồng tiền hoặc chúng ta làm nô lệ đồng tiền.

Cảm xúc
Khi được hỏi “Vì sao nghỉ việc?” câu trả lời phổ biến là “ghét sếp”, “Tại sao tặng quà cho người đó?” câu trả lời dễ gặp là “thấy mến”, “Sao không đi chơi chung?” câu trả lời thường thấy cũng sẽ là vì không thích một ai đó.
Hay có rất nhiều người tự nhiên vui cười, buồn khóc một mình, giận dữ đến mất khôn… Vì sao? Do chúng ta không biết kiểm soát cảm xúc, để cho cảm xúc điều khiển hành động của mình.
Như vậy, rõ ràng chúng ta luôn bị cảm xúc giam cầm, cuộc sống chỉ quanh quẩn với những yêu, ghét, giận hờn một cách vô thức.
Cảm xúc là một phần quan trọng của mỗi con người, nó là chất xúc tác rất mạnh để đưa người ta đến thành công rực rỡ hay thảm bại. Vậy nên, hãy "vô tâm" với những điều bạn không hài lòng và tập trung toàn bộ khối óc, con tim vào những mục tiêu bạn đam mê và cho là đúng.
Nếu chúng ta biết biến cảm xúc thành động lực để đạt những mục tiêu trong cuộc sống thì chúng ta sẽ có được những gì chúng ta mong muốn, ngược lại, chúng ta sẽ bị cảm xúc chi phối, phá hoại mọi kế hoạch trong cuộc đời.
Hoặc chúng ta làm chủ cảm xúc hoặc chúng ta làm nô lệ cảm xúc.

No comments:

Post a Comment

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn