11/11/11

Bài học làm người

Cậu bé nóng tính
Ngày xưa có một cậu bé xấu tính. Bố cậu đưa cho cậu một túi đinh và bảo cậu cứ mỗi lần cậu mất kiên nhẫn và/hoặc cãi nhau với ai, thì đóng một cái đinh vào hàng rào.
Ngày đầu tiên, cậu đóng 37 cái đinh vào hàng rào. Các tuần sau, cậu biết cách tự kềm chế, nên số đinh đóng vào hàng rào bớt dần ngày qua ngày : cậu đã khám phá ra là tự kềm chế thì dễ hơn là đóng đinh.
Cuối cùng, đến một ngày kia, cậu không phải đóng cái đinh nào vào hàng rào nữa. Thế là cậu đi gặp bố và thưa rằng hôm nay cậu không phải đóng cái đinh nào.
Ông bố mới bảo cậu là cứ ngày nào cậu không mất kiên nhẫn, thì nhổ một cái đinh khỏi hàng rào. Ngày lại ngày trôi qua, và cuối cùng cậu bé có thể nói với bố là cậu đã nhổ mọi cái đinh khỏi hàng rào.
Ông bố dẫn cậu con ra trước hàng rào và bảo: «Con này, con đã xử sự tốt rồi, nhưng con nhìn tất cả các cái lỗ đinh trên hàng rào đi. Hàng rào này sẽ không bao giờ như trước được nữa. Khi con cãi nhau với ai và nói điều gì xấu xa, con đã để lại cho người ấy một vết thương như vết đinh này. Con có thể đâm con dao vào một người rồi rút dao ra, nhưng sẽ mãi mãi còn một vết thương. Con có xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương vẫn còn đó. Một vết thương do lời nói cũng làm đau như một vết thương trên thân thể. Những người bạn là những viên ngọc quý hiếm, họ làm cho con cười và khuyến khích con. Họ sẵn sàng lắng nghe con khi con cần họ, họ nâng đỡ con và mở lòng ra với con. Con cũng hãy cho các bạn con thấy là con yêu thương họ đến đâu».
***
Bác thợ xây
Một công ty xây dựng có một bác thợ xây rất giỏi tay nghề nhưng đã đến tuổi về hưu. Mặc dù còn đủ sức khỏe để tiếp tục công việc và được các đồng nghiệp khuyên tiếp tục công việc thêm vài năm nữa nhưng bác thợ xây vẫn khăng khăng muốn về hưu để dành thời gian chăm sóc cho gia đình của mình mà lâu nay bác chỉ lo đi làm kiếm tiền để trang trải cuộc sống chứ không có nhiều thời gian dành cho họ.
Không còn cách nào thuyết phục được, vị giám đốc công ty bèn gọi bác thợ xây vào phòng và đề nghị bác chủ trì giúp công ty xây thêm một căn nhà cuối cùng trong sự nghiệp của bác trước khi bác nghỉ hưu. Bác thợ xây đồng ý, và như bình thường, sau vài tháng thì đội của bác đã hoàn tất căn nhà đúng như tiến độ.
Ngày chia tay bác thợ xây, vị giám đốc quyết định lấy căn nhà bác mới xây xong để làm nơi tổ chức tiệc nhằm mục đích tiết kiệm và tạo không khí tình cảm, nhớ ơn bác thợ xây. Cuối buổi tiệc, sau vài lời phát biểu cám ơn bác thợ xây, vị giám đốc lấy trong cặp ra một phong bì và đại diện toàn thể công ty trao tặng món quà cho bác thợ xây. Bác thợ xây được đề nghị mở gói quà và thật ngạc nhiên, đó chính là giấy tờ sở hữu căn nhà mà đội của bác vừa xây xong.
Bác thợ xây vô cùng cảm động nói lời cám ơn tới toàn thể đồng nghiệp và vị giám đốc, tuy nhiên sau đó bác cũng bày tỏ một sự nuối tiếc "giá tôi được biết trước điều này thì tôi đã chọn những vật liệu tốt nhất để xây căn nhà này".
Bài học là hãy luôn coi trọng mọi thứ mình làm vì một ngày nào đó nó sẽ trở thành vật sở hữu của mình.
***
Nhân nào quả nấy
Có một gia đình nghèo sống 3 thế hệ gần một khu rừng.
Một hôm, người bố ngồi đan một chiếc địu, đứa con thấy vậy hỏi bố đan địu làm gì, người bố trả lời con “ông già rồi, suốt ngày chỉ nằm một chỗ không làm được gì, nhà ta thì nghèo, bố kiếm tiền lo cho người khỏe mạnh còn khó khăn, nên giờ bố địu ông lên rừng cho gia đình bớt khổ”. Hôm sau, người bố đeo địu cõng ông lên rừng và bỏ ông ở đó với nắm cơm.
30 năm sau, đứa con đã trưởng thành và cũng ngồi đan một chiếc địu. Người bố nằm trên giường hỏi con đan địu làm gì, người con trả lời “con đan địu để dùng cho việc rất quan trọng đối với gia đình”. Người bố nghĩ rằng con đan địu để mai đi kiếm củi nhiều hơn lo cho gia đình nên rất mãn nguyện. Hôm sau, người con đeo địu cõng bố lên rừng và bỏ bố ở đó với nắm cơm và nói “Bố ở đây với ông nội cho gia đình bớt khổ”.
***
Trong cơn nóng giận

Buổi sáng nọ, Thành Cát Tư Hãn và các thuộc hạ của ông đi săn. Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu thích. Đến trưa không được gì cả, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi phải cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm, cỡi ngựa đi một mình. Trong sức nóng của mùa Hè, ông khát nước nhưng mọi dòng suối đều khô cạn. Thế rồi, hết sức ngạc nhiên, ông nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông.
Ông lấy ra chiếc cốc bằng bạc ra hứng nước. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và, ngay khi ông đưa chiếc cốc lên môi thì con chim ưng bay lên và giật chiếc cốc rồi ném nó xuống đất.
Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu thích nên ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên, lau sạch bụi, và lại hứng nước. Khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công làm đổ nước.
Lần nầy, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, vừa canh chừng dòng nước, vừa để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim.
Dòng nước kia đã khô cạn ; và Thành Cát Tư Hãn leo lên tảng đá để tìm nguồn suối khác. Ông kinh ngạc khi thấy có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi. Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, ôm theo xác của con chim ưng. Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ :
“Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh”.
Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ :
“Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại”.

No comments:

Post a Comment

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn