5/14/11

Bậc 5: Những nhà đầu tư chuyên nghiệp


Những nhà đầu tư này có “đủ sức” tìm kiếm những chiến lược đầu tư có nhiều rủi ro hơn hay chủ động hơn, tại sao vậy? Bởi vì họ có thói quen tiền bạc rất tốt, một nền tảng tiền bạc vững chắc và hiểu biết về đầu tư. Trờ chơi đối với họ chẳng mới mẻ gì họ tập trung chứ không đa dạng hóa. Họ có một kỷ lục dài về trận thắng mà họ đạt được đều đặn, và họ có đủ trận thua để có thể tìm thấy kinh nghiệm, những bài học đáng giá rút ra từ sai lầm đó.
  Những người đầu tư này thường mua “sỉ” các khoản đầu tư hơn là mua “lẻ”. Họ đặt những mối đầu tư của chính họ lại với nhau để tự sử dụng. Hoặc họ chuyên nghiệp tới mức đủ để tham gia mối đầu tư mà những người bạn bậc 6 của họ cần vốn.
Những yếu tố nào quyết định sự chuyên nghiệp của những nhà đầu tư này? Họ có một nền tảng tài chính với nguồn thu nhập kinh doanh hay về hưu đáng kể từ nghề nghiệp của mình hay có những khoản đầu tư bảo thủ nhưng vững chắc. Những người này kiểm soát được tỉ lệ vốn/nợ của mình, nghĩa là họ có nhiều thu nhập hơn so với mức chi phí sinh hoạt hàng ngày. Họ có một hiểu biết cặn kẽ về thế giới đầu tư và tự mình chủ động tìm kiếm những hiểu biết, những thông tin mới. Họ cẩn thận, nhưng không đa nghi, và luôn mở rộng đầu óc của mình.
Trong mối đầu cơ, họ chịu rủi ro thấp hơn 20% số vốn họ bỏ vào. Họ thường bắt đầu nhỏ, bỏ ra một ít tiền, để có thể hiểu biết về cách làm ăn trong giới đầu tư cho dù đó là cổ phiếu hay mua lại một doanh nghiệp kinh doanh, một hùn hạp đầu tư địa ốc hay mua lại tài sản bị tịch thu đấu giá thế nợ… Nếu họ mất 20% số vốn này, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Họ coi thất bại đó như một bài học kinh nghiệm, rồi quay lại cuộc chơi để học hỏi tiếp, coi thất bại chỉ là một phần quá trình của thành công. Mặc dù họ không thích bị mất tiền, họ không hề sợ bị mất. Thất bại chỉ càng khiến họ tiến tới trước để học hỏi, hơn là để mình chìm đắm trong cảm xúc thua cuộc và tìm luật sư để kiện tụng.
Nếu mọi người trở nên chuyên nghiệp, họ có thể tự tạo ra những mối đầu tư có mức lãi xuất từ 25% đến vô hạn. Những nhà đầu tư này được gọi là chuyên nghiệp là bởi vì họ có dư tiền, có một đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp mà họ tự tay lựa chọn, và một kỷ lục chứng minh những thành công của họ.
Như đã đề câp trước đây, các nhà đầu tư ở cấp bậc này thường sắp đặt những mối đầu tư của chính họ lại với nhau. Cũng giống như có nhiều người mua nguyên bộ máy vi tính từ gian hàng bán lẻ còn những người khác đi mua các bộ phận rời và sau đó tự lắp ráp thành một máy vi tính cho nhu cầu sử dụng của mình. Các nhà đầu tư bậc 5 có thể lắp ráp các khoản đầu tư khác thành một mối đầu tư lớn y như vậy.
         Những nhà đầu tư này biết rõ rằng chính những thời điểm khi nền kinh tế đi xuống là lúc thị trường đang trao cho họ những cơ hội thành công ngàn vàng. Họ nhảy vào thị trường khi người khác nhảy ra. Họ thường biết khi nào nên nhảy ra. Ở cấp bậc này, một chiến lược thoát ra còn quan trọng hơn chiến lược nhảy vào.
Họ rất rõ ràng về những nguyên tắc hay những quy luật của chính họ về đầu tư. Công cụ đầu tư lựa chọn của họ có thể là địa ốc, trái phiếu giảm giá, doanh nghiệp kinh doanh các doanh nghiệp bị phá sản hay những đợt cố phiếu mới phát hành. Trong khi họ chấp nhận rủi ro nhiều hơn một người bình thường, họ rất ghét chuyện cờ bạc. Họ có một kế hoạch và những mục tiêu cụ thể. Họ không ngừng học hỏi mỗi ngày. Họ đọc báo, tạp chí, đăng ký với những đặc san đầu tư và tham dự những buổi thảo luận về đầu tư. Họ hiểu rõ tiền bạc và biết cách bắt tiền bạc làm việc cho mình. Họ tập trung chính vào việc làm tăng tài sản của họ hơn là đầu tư bởi vì họ có thể kiếm thêm thu nhập. Họ tái đầu tư những khoản lời kiếm được để xây dựng và mở rộng tài sản của họ. Họ biết rõ rằng việc xây dựng một cơ sở tài sản vững chắc đem lại lợi nhuận hay lãi suất cao mà không bị đánh thuế nặng sẽ chính là con đường dẫn họ đến sự giàu có dài lâu trong cuộc đời của họ.
Họ thường xuyên dạy những hiểu biết này cho con họ và để lại tài sản của họ cho nhiều thế hệ theo sau dưới hình thức công ty, tập đoàn, tổ hợp uỷ thác hay đối tác. Bản thân họ hầu như không sở hữu nhiều thứ nào cả. Chẳng có nhiều tài sản đứng dưới tên họ vì mục đích giảm thuế và bảo vệ khỏi những người kiểu Robin Hood cứ tin vào chuyện lấy của giàu chia cho người nghèo. Nhưng mặc dù họ không sở hữu thứ gì, họ kiểm soát tất cả mọi thứ qua các tập đoàn. Họ kiểm soát những thực thể có tư cách pháp nhân sở hữu tài sản của họ.
   Họ có một hội đồng giám đốc của chính họ để có thể giúp họ trong việc quản lý những tài sản này. Họ lắng nghe những lời tư vấn và học hỏi. Hội đồng không chính thức này bao gồm một đội ngũ chuyên gia ngân hàng, kế toán viên, luật sư và nhà môi giới. Họ bỏ khá nhiều tiền cho cố vấn tài chính vững chắc không chỉ làm tăng tài sản của họ mà còn bảo vệ số tài sản này đối với gia đình, bạn bè, tranh tụng và chính phủ. Ngay cả khi họ đã từ giã cõi đời, họ vẫn còn kiểm soát được tài sản của họ. Những người này thường được gọi là “những người quản lý tiền bạc”. Ngay cả khi chết, họ vẫn tiếp tục chi phối số phận đồng tiền mà họ đã tạo ra.

Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 5 không?

No comments:

Post a Comment

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn