9/24/16

Henry Ford


Ông không phải là người giàu nhất nước Mỹ, nhưng khi bình chọn những nhà kinh doanh có ảnh hưởng sâu xa đến xã hội và lịch sử Mỹ ông lại là người đứng đầu. Có lẽ do sản phẩm của ông có mặt khắp nơi trên thế giới, có lẽ do ông đã tạo dựng được một sự nghiệp vẻ vang, có lẽ do phương pháp kinh doanh của ông có nhiều sáng tạo, hay quan điểm của ông về việc sử dụng nhân tài, vv...  và có lẽ còn nhiều điều để nói về ông - Henry Ford - Ông vua xe hơi của nước  Mỹ.

Nếu bạn có một em nhỏ hễ mở sách ra học là ngáp mà trông thấy một đồ chơi gì có máy móc là mắt sáng lên, xun xoe muốn rờ, thử, tháo, lắp, và suốt ngày chỉ rình lúc bạn ngủ trưa hoặc tiếp khách để bỏ bài vở, chạy tuốt ra sân lau chùi chiếc xe máy dầu của bạn, thì bạn đừng vội buồn: biết đâu em đó sau này chẳng thành một Henry Ford của Việt Nam? Vì Henry Ford hồi nhỏ cũng biếng học như vậy: ngồi trong lớp chỉ lén nói chuyện về máy móc với bạn bè và chỉ mong chóng tan học để chạy về nhà, leo lên căn gác xép ở thượng lương mà hí hoáy với những cây đinh, những cái kim, cái giũa.
Hồi tám tuổi, ông mê đồng hồ như các trẻ khác mê tiểu thuyết kiếm hiệp. Thấy đồng hồ nào hư, ông cũng tháo ra coi rồi sửa...và sửa được. Một người chơi thân với gia đình ông đã phải nói: "Đồng hồ nào ở trong làng này cũng phải run lên khi thấy thằng Henry tới gần". Lần lần, tài sửa đồng hồ của ông vang lừng trong miền. Ai có đồng hồ hư cũng đem lại nhờ "cậu Henry" sửa, và "cậu Henry" không bao giờ đòi tiền công: Việc làm đó thú quá mà!
Máy móc có sức quyến rũ ông kỳ dị. Trông thấy máy gì mới, ông cũng tìm hiểu cho kỳ được. Có lần lại một tiệm cưa, ông thừa lúc vắng người, tháo một cái máy chạy bằng hơi nước ra xem, bị máy kẹp, suýt nguy đến tính mạng. Nhưng chỉ ít lâu sau, năm ông mười hai tuổi, ông đã bắt chước chế tạo được một máy nhỏ chạy bằng hơi nước, trong căn gác xếp của ông.
Năm Henry 12 tuổi, người mẹ yêu quý của ông qua đời. Có thể nói tính cách kiên cường của mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của Henry. Henry từng nói: “Tôi đã học được từ mẹ tôi phương pháp sinh tồn trong xã hội hiện đại...”.
Năm hai mươi tám tuổi, đọc một bài báo trong tạp chí Monde scientifique, tả một kiểu máy nổ do một người Đức phát minh, ông quyết chí thực hành cái mộng chế tạo xe hơi. Ông rời quê hương, đến thành phố Detroit, vào làm thợ học việc tại xưởng xe Michigan, với tiền công 1,1 USD/ngày. Với số tiền lương đó kể là tương đối cao trong thời bấy giờ. Nhưng, Henry chỉ làm được có sáu ngày thì bị đuổi. Nguyên nhân là do Henry sửa chữa những cỗ máy hư một cách quá dễ dàng mà những người thợ lâu năm cũng không thể sửa chữa được nhanh như thế được. Điều đó làm cho những người thợ ở đây bất mãn. Nhưng Henry vẫn không nản lòng, trái lại, đã rút được một bài học qua sự kiện đó: “Bất luận làm việc gì đều không thể phơi bày hết những điều mình hiểu biết ra cho mọi người thấy!”.
Ông không nản chí, còn gắng sức sửa đồng hồ, và dạy thêm trong một trường hướng nghiệp để kiếm thêm tiền.
Sau đó, Henry lại lần lượt đến xưởng đồ đồng và xưởng đóng tàu tại Detroit để làm việc. Ở nơi nào ông cũng cảm thấy mình không học thêm được gì, nên đã xin thôi việc. Cuối cùng, Henry trở về nông trại của cha để phụ một tay với cha mình. Việc xin từ chức của Henry Ford lần này là một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Ông trở về nhà không phải vì lẽ không học được gì ở Detroit, mà là có một nguyên nhân khác. Lúc bấy giờ thời tiết đã vào đông, cả vùng Dearborn cũng đã phủ đầy tuyết trắng. Tất cả những việc nhà nông đều phải tạm ngừng. Henry muốn nhân lúc nông nhàn, ở yên trong nhà để tiến hành một số nghiên cứu mới. Do vậy, việc ông trở về nhà chính là do lòng “ham muốn phát minh” đã thúc đẩy. Sau khi về nhà không bao lâu, Henry đến một xưởng xẻ gỗ ở trong làng để giúp cho người chủ xưởng là John chạy thử một chiếc động cơ hơi nước theo kiểu di động. Về sau, hãng sản xuất động cơ này đã mời Henry đến làm thao tác viên kiểu mẫu cho loại động cơ di động của họ. Nhờ đó, Henry đã học được rất nhiều tri thức về động cơ hơi nước. Trong việc sửa chữa và cho chạy thử chiếc động cơ hơi nước, đã khiến Henry càng ham muốn hơn đối với việc nghiên cứu và phát minh.
Henry đã nhặt lại chiếc máy cắt cỏ theo kiểu đẩy tay đã cũ kỹ của cha, ông muốn đem sự hiểu biết về động cơ đã học được tại xưởng gỗ của John cải tạo nó thành một chiếc máy kéo dùng cho nông nghiệp. Ông tự nhốt mình trong một nhà kho để bắt đầu mày mò tìm hiểu, và liên tục chế ra những chiếc máy kéo do ông thiết kế. Một cỗ, hai cỗ, cho đến hai ba chục cỗ máy kéo đã được ông chế tạo. Trải qua suốt hai năm chăm chỉ và khó khăn, cuối cùng Henry đã chế tạo được một máy kéo hơi nước dùng nhiên liệu bằng củi. Henry cho rằng do ở Dearborn than đá quá đắt đỏ, cho dù chế tạo được một động cơ hơi nước như loại động cơ hơi nước được trưng bày tại cuộc triển lãm vạn quốc năm 1876 có lò hơi nung bằng than đá, thì đối với nông dân ở đây cũng không giúp ích gì  được nhiều. Do vậy nên ông không thực hiện. Henry quyết tâm phát minh ra một loại máy kéo tiết kiệm nhiên liệu. Rõ ràng nơi đây đã tạo nên một tư tưởng kinh doanh của Henry Ford: Có thể tư tưởng đó chính là nguyên tắc tư tưởng đã  tạo ra loại xe “kiểu T” (Ford Model T) của công ty xe hơi Ford sau này.
Mấy năm sau, ông lập Công ty xe hơi Detroit rồi Công ty xe hơi Cadillac, vốn 100.000 Mỹ kim. Mới đầu ông có 25% cổ phần nhưng kiếm được bao nhiêu ông lại đập cả vào vốn bấy nhiêu, nhất định phải có già nửa phần hùn để có đủ quyền điều khiển công ty theo ý muốn của mình. Chủ trương của ông là chế tạo xe cho thật nhiều, để giá xe được hạ, người nào cũng có thể mua được.
Ông áp dụng phương pháp tổ chức công việc của Taylor, chú trọng tới sự lựa người, và việc dạy nghề cho thợ. Sáng kiến được khuyến khích, trọng thưởng. Lối làm việc dây chuyền được cải thiện. Nhờ vậy, kiểu xe mỗi ngày mỗi mới, sức sản xuất mỗi ngày mỗi tăng, giá vốn mỗi ngày mỗi hạ mà lương của thợ thuyền được tăng gấp đôi, trong khi số giờ làm việc rút xuống từ 9 giờ xuống 8 giờ mỗi ngày.
Năm 1906 ông sản xuất được 8.400 chiếc xe; bốn năm sau, con số đó tăng lên 34.000; một năm sau nữa, nó tăng lên 78.000; và tới năm 1927 thì mỗi ngày ông sản xuất được 7.000 chiếc xe, tính ra cứ 7 giây đồng hồ, có một chiếc xe hơi ở trong xưởng ông từ từ chạy ra để được gửi đi khắp thế giới.
Nhờ ông hiểu rằng cái lợi của thợ thuyền là lợi của ông, và cái lợi của khách hàng cũng là lợi của ông, mà luôn luôn tìm cách tăng lương cho thợ và hạ giá xe cho nên thợ thuyền và quần chúng ủng hộ ông trong một vụ tranh chấp với nhiều công ty lớn hơn ông, như công ty Seldon. Công ty này bắt ông phải theo quan niệm ích kỷ của họ là bán cho thật mắc, ông không chịu, họ kiếm cớ kiện ông. Vụ kiện kéo dài hàng mấy năm. Tòa sơ thẩm đã xử ông thua. Sản nghiệp của ông muốn tiêu tan, nhưng ông can đảm đăng lên báo hết thảy nguyên do sự kiện và cam đoan với khách hàng rằng ông sẽ đem hết số vốn công ty để bảo đảm những chiếc xe ông sẽ chế tạo. Quần chúng thấy ông ngay thẳng và thành thực nghĩ tới lợi của họ, viết báo bênh vực ông và rốt cuộc, khi ông chống án thì ông thắng.
Khi đại chiến thứ nhất bùng nổ ở châu Âu, ông đau khổ thấy biết bao máu thanh niên chảy trong những hầm núp trên mặt trận Pháp; cho nên lúc phong trào hòa bình manh nha ở Mỹ, ông hăng hái gia nhập liền; tuyên bố: "Nếu tôi có thể làm gì cho chiến tranh này ngưng được thì dù tiêu tan cả sự nghiệp, tôi cũng không ngại". Cuối năm 1915, ông bỏ tiền ra mướn chiếc tàu Oscar II và cùng với sáu sứ giả hòa bình nữa, vượt Đại Tây Dương qua châu Âu. Rủi thay, nửa đường ông bị bệnh nặng phải trở về Detroit, còn sáu người kia tiếp tục tới Stockholm, Copenhague, La Haye, hô hào người ta bỏ súng... Nhưng súng cũng vẫn nổ.
Từ đó, ông hóa ra quạu quọ, chua chát, nhưng vẫn không ngớt tìm cách cải thiện kiểu xe Ford của ông. Năm ông sáu chục tuổi, cái tuổi mà ngay ở Mỹ, nhiều người chỉ tính tới chuyện về vườn dưỡng lão, thì ông còn hăng hái cải tổ lại hoàn toàn hãng Ford: ông bỏ ra 100 triệu Mỹ kim, thay 43.000 máy cũ, dạy lại nghề cho hết thảy thợ thuyền để chế tạo một kiểu xe mới, làm cho hãng Ford thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới.
Ông mất năm 1947, thọ 83 tuổi, sản nghiệp là nửa tỉ Anh kim. Vài tháng trước khi mất, một buổi sáng nọ, ông cùng với một đứa chắt dạo mát trong vườn. Đương đi thì đứa nhỏ đánh rớt một vật gì trong cỏ. Ông hỏi:
- Cháu đánh rơi cái gì đó?
- Thưa, không có gì cả. Chỉ là một đồng xu thôi ạ.
Ông già lặng thinh, cúi xuống tìm, lượm đồng xu lên, đưa cho đứa nhỏ. Nó ngạc nhiên, hỏi:
- Người ta nói cố giàu nhất trong nước, phải không cố?
- Ừ.
- Thế thì sao cố lại chịu khó cúi xuống lượm đồng xu cho cháu?

- Này cháu, một ngày kia, nếu cháu phải sống cô độc trên một hoang đảo thì tất cả những giấy bạc ở thế giới này sẽ là giấy vụn hết. Nhưng một đồng xu sẽ quý vô cùng. Nó bằng đồng. Cháu có thể đập nó thành một ngọn giáo hoặc một đồ dùng. Ta coi trọng đồng xu đó vì tự nó đã có giá trị rồi, chứ không phải như tờ giấy bạc, chỉ để biểu hiệu một cái gì thôi. Đừng đánh rớt nó nhé. Đã chắc gì sau này cháu không khỏi bị bỏ cô độc trong một hoang đảo.

No comments:

Post a Comment

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn