8/5/11

3 x “một phút” giáo dục con


Mỗi khi đứa trẻ hư phải bị trừng phạt, các bậc phụ huynh có bao giờ tự hỏi:
-         Mình đang giáo dục con hay đang hành hạ con?
-         Mình đang giáo dục con hay chỉ muốn trút bỏ cơn giận của bản thân?
-         Tại sao càng đánh, càng la mắng đứa trẻ càng lì lợm, càng hư hơn trước?

Xin được giới thiệu các bậc phụ huynh 3 bí kíp nhỏ để biến những đứa trẻ hư thành những đứa trẻ ngoan và những đứa trẻ ngoan trở thành người có ích.
Tuy nhiên, xin lưu ý rằng, phương pháp giáo dục này phải thường xuyên và bền bỉ chứ không phải ngày một ngày hai, và trước hết phải thay đổi những quan điểm, thái độ của các bậc phụ huynh về giáo dục con cái.

I. Một phút phê bình
Khi con cái mắc lỗi có rất nhiều cách phạt, phổ biến ở Việt Nam là roi vọt, nhẹ hơn là la mắng. Như vậy, có vẻ như người lớn sẽ cảm thấy được thỏa mãn tâm lý sau khi xả stress vào đứa trẻ, không những vậy còn được tiếng là “thương cho roi cho vọt”.
Nhưng, có ai hiểu được tâm lý đứa trẻ lúc đó. Thực ra không phải nhờ đến chuyên viên tâm lý nào cả, hãy hỏi chính mình. Nếu mình bị người khác đánh đập, la mắng thậm tệ khi mình mắc lỗi mình có phục không? Hồi nhỏ mình có cảm giác sao khi bị bố mẹ mình xử sự như vậy?
Trẻ con tuy còn nhỏ nhưng đều có nhận thức, lòng tự trọng cá nhân, nếu dùng hình thức bạo lực để xử phạt chỉ khiến chúng “cứng đầu” hơn và “ghi lòng tạc dạ” những trận đòn này chứ không có ý định sửa đổi. Đây là mầm mống tạo nên những con người bạo lực. Như vậy, cái vòng luẩn quẩn ‘hư → đánh → càng hư → càng đánh…’sẽ không bao giờ kết thúc trong tuổi thơ của đứa trẻ. Hơn nữa còn thể hiện sự bất lực của cha mẹ.
Cách xử phạt tích cực nhất dành cho trẻ là “một phút phê bình”.
Nửa phút đầu bạn hãy thể hiện những cảm xúc giận dữ, bực bội với đứa trẻ về hành vi sai trái của chúng. “Tại sao con lại đánh bạn? Bố rất bực mình về hành động của con, như vậy là rất xấu”…
Sau nửa phút đầu trút giận, bạn ngưng vài giây để đứa trẻ cảm nhận sự giận dữ đó và tự thức về hành vi sai trái của mình. Đây cũng là lúc để bạn nguôi cơn giận.
Nửa phút sau bạn hãy cho đứa trẻ biết nó là đứa trẻ ngoan, thông minh và đừng nên mắc những lỗi như vậy. Quan trọng hơn cả là bạn cho bé biết bạn rất yêu bé rồi ôm bé động viên. “Bố rất tự hào và luôn tin tưởng con là đứa trẻ ngoan, thông minh và lẽ ra con không nên làm như vậy. Con luôn là con yêu của bố”…
Như vậy, nửa phút đầu khiến đứa trẻ cảm giác như mình là một đứa bé hư hỏng, xấu xa và muốn buông xuôi. Nửa phút sau giúp bé thấy bé vẫn còn giá trị, vẫn được yêu thương và tự hứa sẽ sửa đổi để không làm buồn lòng người luôn thương yêu mình.

II. Một phút khích lệ
Đa số người ta chỉ thích được khen chứ không thích phải khen người khác. Đây là thói ích kỷ của con người. Vậy nếu như bạn làm điều gì tốt, ai cũng biết mà họ coi như chuyện thường, chẳng ai khen ngợi, động viên bạn thì bạn cảm giác ra sao? Có còn muốn làm tốt nữa hay không?
Trẻ em cũng vậy, chúng thường có những hành động gây chú ý người lớn bởi chúng muốn được công nhận. Nếu ta không kịp thời khen ngợi, động viên chúng thì vô tình sẽ khiến chúng trở nên tự ti, trầm cảm.
Hãy luôn biết phát hiện ra những thành công dù là nhỏ nhất của trẻ để khen ngợi, động viên chúng tự tin, năng động và sáng tạo hơn. Đồng thời, hành động này tạo cho trẻ sự chân thành, cởi mở với cha mẹ hơn, giúp cha mẹ hiểu con sát hơn. “Hay quá, con thật là khéo léo và thông minh. Hồi bằng tuổi con bố còn chưa biết sắp chén đũa để cả nhà cùng ăn cơm thế này đâu”…
Có một đứa bé tên Pohn rất thích chơi bowling. Ông bố chiều ý con, nhưng ông đã thể hiện được mình là ông bố đặc biệt. Mỗi khi con tập chơi bowling ông lại đặt thêm 2 chai vào 2 bên đường biên. Nếu bạn mới biết chơi bowling thì những lần lăn bóng đầu tiên bóng sẽ đi theo đường nào? Và khi lớn lên Pohn trở thành siêu sao trong làng bowling thế giới.

III. Một phút kế hoạch
Có kế hoạch sẽ biết mình thành công hay thất bại, không kế hoạch mãi mãi chẳng tìm thấy thành công. Kế hoạch là một phần rất quan trọng trong cuộc sống nhưng rất ít người nhận thức và thực hiện nó. Người ta chỉ biết làm theo kế hoạch của người khác chứ không có kế hoạch cho riêng mình. Thậm chí chỉ đưa ra cho mình những mục tiêu tầm thường chứ không dám có những ước mơ cao xa.
Trẻ em cũng vậy, nếu không luyện cho chúng cách sống có kế hoạch ngay từ nhỏ thì lớn lên chúng sẽ nhút nhát và chỉ biết phụ thuộc vào người khác. Mỗi khi làm việc gì, hãy để trẻ tự thiết lập mục tiêu cho mình, kế hoạch thực hiện mục tiêu đó và cho chúng đọc lại trong 1 phút. Cha mẹ sẽ giúp trẻ chỉnh sửa để có được mục tiêu không quá xa vời và những bước kế hoạch phù hợp, chi tiết. Với những mục tiêu, kế hoạch chỉ đọc trong một phút sẽ tạo cho trẻ một áp lực để phát sinh một nghị lực phải hoàn thành cho được mục tiêu này chứ chúng không có thời gian để cảm thấy mục tiêu này khó hay dễ thực hiện. Đây chính là sức mạnh tiềm thức của trẻ.
Mảnh đất màu mỡ nếu cứ để không thì dần dần sẽ thành đất khô, nhưng nếu ta gieo hạt vào mảnh đất màu mỡ đó thì sẽ cho ra những cây xanh tốt. Tiềm thức của trẻ chính là mảnh đất màu mỡ, cha mẹ phải gieo hạt bằng những mục tiêu cho trẻ thực hiện.

Tại sao trẻ em Mỹ cá tính, tự lập, sáng tạo hơn trẻ em Việt Nam?
Sự khác biệt là do giáo dục tinh thần. Đứa trẻ nào cũng giống nhau là đều có cho mình một ước mơ từ nhỏ. Nhưng, ở VN phần lớn những ước mơ cao siêu của trẻ thơ đều bị cha mẹ chúng dập tắt ngay khi vừa nói ra. “Thôi con đừng mơ mộng viển vông hão huyền, cố gắng học hành nên người rồi kiếm lấy một công việc ổn định mà sống”. Đây là tư tưởng “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa”. Và những đứa trẻ cứ lớn lên theo một cuộc đời buồn tẻ đã được định sẵn từ nhỏ, đó gọi là số phận, còn ước mơ mãi mãi chỉ là mơ ước. Ở Mỹ lại khác, khi đứa trẻ đưa ra ước mơ của mình thì cha mẹ chính là người chắp cánh cho ước mơ đó trở thành hiện thực bằng cách giúp con xây dựng và khích lệ con phải hoàn tất từng mục tiêu nhỏ để đạt được mục đích lớn.

Con cái chính là phiên bản của cha mẹ. Con ngoan thì cha mẹ giỏi, con hư thì cha mẹ hãy tự trách mình trước!

No comments:

Post a Comment

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn