5/10/12

Lý thuyết <=> Thực tế

Lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới có buổi cà phê ngắn ngủi nhưng thật tuyệt vời. Buổi cafe chưa đầy 1 giờ với anh Lê Nhật Trường Chinh.
Qua buổi nói chuyện, tôi có được rất nhiều bài học hữu ích cho sự nghiệp đào tạo. Nhưng có một điều mà tôi đặc biệt lưu ý, đó là khái niệm về các bài học lý thuyết và thực tế.
Có một thực tại mà ai cũng thừa nhận rằng những bài học trong nhà trường chỉ là lý thuyết. Kết quả của cách giáo dục này là hầu hết người ta sau khi tốt nghiệp phải lo đi xin việc khắp nơi để có miếng cơm manh áo hàng ngày. Vậy có bao nhiêu người hiểu rằng tất cả những lý thuyết đó cũng được đúc rút từ những kinh nghiệm xương máu của bao thế hệ người từ hàng nghìn năm về trước?
Vài thập kỷ gần đây, có một nghề khá hút khách xuất hiện - nghề diễn giả. Nghề diễn giả nhanh chóng tạo được vị thế trong xã hội vì những chương trình đào tạo hoàn toàn khác với những gì có trong nhà trường. Khác với thày giáo, người diễn giả chủ yếu thuyết trình những nguyên tắc mình đã áp dụng thực tế và thành công nhằm giúp cho học viên cũng có một con đường đến thành công giống như mình. Học viên trong những khóa học này thường khá thích thú với phong cách thuyết trình và những trải nghiệm thực tế của diễn giả. Tuy nhiên, cũng chỉ được khoảng 1% số học viên sau khóa học có sự thay đổi và đạt được những thành công rực rỡ.
Vì sao 2 cách giáo dục khác nhau nhưng lại có cùng một kết quả? Đơn giản là cách nào thì cũng chỉ là truyền đạt kiến thức hay kinh nghiệm thực tế của giảng viên chứ không phải những trải nghiệm thực tế của người học. Có thể nhiều người có bí quyết để thành công và muốn chia sẻ lại cho người khác, tuy nhiên, những bí quyết đó chưa chắc đã đúng với những gì mà người học viên đang thiếu. Và cuối cùng nó cũng chỉ là lý thuyết.
Làm sao để các buổi học không còn là lý thuyết?
Vài năm gần đây đã có một số chuyên gia đào tạo áp dụng những phương pháp đào tạo theo chiều sâu, tác động đến từng học viên cụ thể. Có thể kể đến Anthony Robbins, T.Harv Eker... Và phần lớn học viên những khóa học này sau đó đều đạt được những kết quả phi thường so với trước đó. Đó chính là phương pháp đào tạo của thời đại tri thức, nêu bật vấn đề của từng cá nhân học viên rồi sau đó bằng kiến thức và kinh nghiệm của huấn luyện viên đưa ra những giải pháp trải nghiệm phù hợp và hiệu quả nhất cho từng trường hợp cụ thể. Và kết quả là học viên được trải nghiệm thực tế với chính vấn đề của mình để loại bỏ những thói quen xấu trước đây, áp dụng những tư duy mới để thành công trong cuộc sống.

Bài học lý thuyết hay thực tế, hiệu quả phải được đánh giá qua kết quả ứng dụng của học viên.

No comments:

Post a Comment

Thị trường

Giáo dục Việt Nam

Bóng Đá Quốc Tế

Khỏe - Đẹp

Cười

'Ranh' ngôn